Sau hơn 10 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo quê hương ở tỉnh Bình Phước ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản, kinh tế tăng trưởng, chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân cải thiện.
Nhiều cách làm hay
Bình Phước là tỉnh miền núi với hơn 1 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 19,67%. Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đồng thuận của người dân, sự chung tay góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp cùng với Nhà nước đã làm khởi sắc vùng nông thôn. Chị Chu Thị Hiển, ngụ ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú cho biết, trước đây nhà văn hóa của ấp rất đơn sơ, nhếch nhác, nhưng nhờ sự hưởng ứng của người dân nay đã được xây dựng khang trang, hiện đại. “Là công dân thì phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp để xây dựng hạ tầng cơ sở. Bởi các công trình cũng chỉ phục vụ cho người dân” – chị Hiển nói.
Tuyến đường nông thôn ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú được bê tông hóa khang trang từ chương trình nông thôn mới
Theo bà Chu Thị Oanh, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bù Xăng, có được thành quả như hôm nay là một kỳ tích. Bởi những ngày đầu bắt tay vào triển khai gặp rất nhiều khó khăn, do người dân chưa hiểu rõ vấn đề. Sau thời gian dài vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lúc đầu làm một vài tuyến đường thí điểm, người dân thấy hưởng lợi lớn nên đồng loạt hưởng ứng.
Trường Tiểu học Thuận Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú được xây dựng khang trang từ chương trình nông thôn mới
Ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú cho biết: “Ngoài hệ thống các trường học, đường giao thông xây dựng đạt chuẩn thì diện mạo các khu dân cư đổi thay rõ nét. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì địa phương luôn phát huy vai trò nội lực của nhân dân, bởi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, nhân dân đã đóng góp đối ứng xây dựng các công trình NTM với kinh phí gần 5 tỷ đồng”.
Cán bộ Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 hướng dẫn bà con khai thác mủ cao su
Những năm qua, Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 được xem là “lực tiếp sức” cho bà con nghèo, nhất là với các hộ DTTS khó khăn ở huyện biên giới Bù Đốp. Trong xây dựng NTM, đơn vị luôn xem đây là nhiệm vụ thiết yếu, luôn thực hiện phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương”; tham gia đóng góp cùng với nhân dân xây dựng NTM và nhiều hoạt động khác. Ông Trần Ngọc Hỷ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành, huyện Bù Đốp cho biết, Tân Hội là ấp vùng sâu vùng xa, biên giới, còn nhiều khó khăn nên luôn nhận được sự hỗ trợ mọi mặt về vật chất, tinh thần của Trung đoàn 717. Ngoài tham gia hàng ngàn ngày công xây dựng NTM, công trình phúc lợi, đơn vị còn đóng góp kinh phí cùng Nhà nước làm các tuyến đường giao thông, công trình ánh sáng biên cương. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định. Bởi vậy, Tân Hội từ khu dân cư nghèo khó, nay đang trên đà khởi sắc, thu hẹp khoảng cách với các khu vực trung tâm khác.
Các y bác sĩ Trung đoàn 717 khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con trên địa bàn huyện Bù Đốp
Sau 24 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trung đoàn 717 đã quy hoạch, sắp xếp ổn định 11 cụm dân cư dọc tuyến biên giới gắn với thế trận phòng thủ của địa phương; tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, hộ nhận khoán, trong đó có hơn 400 hộ DTTS. Đồng thời đầu tư xây dựng 140km đường giao thông nội vùng; 52km đường nhựa, đường bê tông; 28km đường điện trung, hạ thế... trở thành những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn đứng chân.
Sản xuất, chế biến hạt điều tại Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú
Vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Bình Phước vinh dự có sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đó là 3 sản phẩm là Hạt điều rang muối, Hạt điều nguyên vị và Hạt điều nhân trắng của Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. Để đạt danh hiệu “OCOP 5 sao cấp quốc gia”, các sản phẩm của công ty được chế biến 100% từ hạt điều Bình Phước, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam. Tất cả các sản phẩm điều nguyên liệu đưa vào chế biến được thu mua từ các hộ nông dân, hợp tác xã theo hợp đồng liên kết, có mã số truy xuất nguồn gốc và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, chặt chẽ, với phương thức canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng chất hóa học giúp hạt điều của công ty luôn đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.
Sản phẩm hạt điều của Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia
Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ cho biết, để vươn đến những thị trường khó tính, công ty luôn chú trọng các quy trình sản xuất, chế biến sâu cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Mục tiêu sản xuất của công ty luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, theo quy trình chuẩn quốc tế BRC (British Retail Consortium - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc) và tiêu chuẩn cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước.
Khó khăn cần tháo gỡ
Tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện biên giới Lộc Ninh được nhựa hóa từ chương trình nông thôn mới
Theo Sở NN-PTNT, mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng đến nay Bình Phước vẫn còn 13/86 xã chưa hoàn thành các tiêu chí NTM. Đây là các xã vùng sâu vùng xa, có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên nhu cầu kinh phí trong xây dựng NTM rất lớn. Phần lớn dân cư nông thôn sinh sống bằng nghề nông nhưng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bền vững, vẫn phụ thuộc vào tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, hạn chế. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa.
Nguồn ngân sách đầu tư cho NTM vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, khả năng đóng góp của nhân dân hạn chế. Tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm và chưa bền vững; việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Trao bò giống cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lộc Ninh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nhiều xã chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. Chưa huy động được nguồn vốn tín dụng và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn xây dựng NTM. Để chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, cần lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần xây dựng các mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng. Và yếu tố quan trọng là phải biết “giữ lửa” phong trào xây dựng NTM.
Mô hình trồng tiêu sạch của nông dân huyện biên giới Lộc Ninh là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, mỗi năm nhân dân đóng góp đối ứng khoảng 100 tỷ đồng cùng Nhà nước xây dựng NTM. Đến nay, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được xây dựng mới, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định với 175/388 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao và hội trường; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, có dịch vụ viễn thông, internet đáp ứng nhu cầu sử dụng cho tổ chức và cá nhân; 100% xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp. Bình Phước hiện chỉ còn 2.879 hộ nghèo, chiếm 1,03% tổng số hộ dân, trong đó có 1.696 hộ nghèo DTTS. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm thêm 2.000 – 2.500 hộ nghèo.
Tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện biên giới Lộc Ninh được nhựa hóa từ chương trình nông thôn mới
Ngày 15-11, UBND tỉnh Bình Phước đã ký quyết định công nhận 16 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2022.
Các xã đạt chuẩn NTM gồm: Minh Đức, huyện Hớn Quản; Phước Thiện, huyện Bù Đốp; Lộc Thành, Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh; Thọ Sơn, Đoàn Kết huyện Bù Đăng; Long Hà, huyện Phú Riềng. Các xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Long Giang, thị xã Phước Long; Thanh Lương, thị xã Bình Long; Thuận Phú, huyện Đồng Phú; Minh Thắng, thị xã Chơn Thành; Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; Lộc Điền, huyện Lộc Ninh; Đức Liễu, huyện Bù Đăng; Phú Nghĩa, huyện Bù gia Mập; Long Hưng, huyện Phú riềng. Đến nay, toàn tỉnh có 73/86 xã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM; 21 xã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trước đó, ngày 13-10-2023, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức cuộc họp xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao đợt I năm 2022. Theo đánh giá, các xã được xét NTM đợt này đã đạt được từ 17 đến 19 tiêu chí, chỉ tiêu; các xã NTM nâng cao đạt được từ 18 đến 20 tiêu chí, chỉ tiêu. Cụ thể các xã có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60,5 đến 90,1 triệu đồng/năm; 100% các tuyến đường đều được bê tông, nhựa hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm đến mức thấp nhất, chỉ còn từ 0,05 đến 0,98%; có từ 90 đến 97,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; các xã đã xây dựng và hình thành nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp…
Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định, lãnh đạo ngành, địa phương đã trao đổi làm rõ những khó khăn, vướng mắc về một số tiêu chí về quy hoạch, trường học, văn hóa, tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự… mà một số xã thực hiện chưa đạt. Cụ thể, trong 16 xã được xét công nhận NTM và NTM nâng cao năm 2022 có 14 xã chưa đạt về tiêu chí quy hoạch; 5 xã chưa đạt về tiêu chí an ninh trật tự; 5 xã chưa đạt về tiêu chí văn hóa và 7 xã chưa đạt về tiêu chí trường học…
Đồng chí Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì cuộc họp cho biết, việc xét chọn, công nhận các xã NTM, NTM nâng cao phải đảm bảo nguyên tắc đạt mới công nhận. Đối với một số tiêu chí còn khó khăn, vướng mắc, tỉnh thống nhất cho các xã nợ. Đồng chí Huỳnh Anh Minh đề nghị, lãnh đạo các địa phương tập trung triển khai hoàn thiện trong năm 2023 và đặc biệt phải thực hiện tốt các thủ tục thanh, quyết toán, không để nợ đọng trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, lãnh đạo các xã, các huyện, thị xã phải có báo cáo giải trình về các tiêu chí chưa đạt và làm bản cam kết hoàn thành gửi về Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để các thành viên Hội đồng thẩm định, thống nhất bỏ phiếu thông qua.