Xây dựng nông thôn mới - thực tiễn của Bình Phước

Thứ hai - 18/11/2024 07:26 42 0
Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, vùng biên giới miền núi với gần 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có xuất phát điểm thấp khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, xây dựng nông mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp lòng dân. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nông thôn mới đã hình thành trên thực tế, đáp ứng nguyện vọng và ngày càng thu hút sự tham gia của người dân nông thôn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của Chương trình.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Phước, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Bình Phước có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 3/11 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long). 2/11 đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương ban hành quyết định công nhận (Chơn Thành, Đồng Phú). 1/11 đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình các sở, ban, ngành của tỉnh thẩm tra (Lộc Ninh).

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ nguồn ngân sách Trung ương trên 149 tỷ đồng, vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng.
 
Gia đình ông Chàm Sa Hot sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà, phát triển kinh tế đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Kết quả này có được là do Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Phước đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Dân chủ ở cơ sở được nâng lên, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân chuyển biến rõ rệt. Qua đó, nhiều cách làm sáng tạo được phát huy, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện. Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại đã phát huy hiệu quả. Kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân ở nông thôn.

Năm 2024, Bình Phước phấn đấu thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,95/19 tiêu chí (bộ tiêu chí đạt chuẩn). Huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ huyện Lộc Ninh, Phú Riềng đạt chuẩn huyện nông thôn mới trình Trung ương thẩm định…

Để đạt được mục tiêu này, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm và cơ chế, chính sách của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương nhân rộng các “mô hình hay, điển hình tốt”, cách làm độc đáo trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, Bình Phước phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành bảo đảm tập trung, thống nhất, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phân công, phân cấp trách nhiệm từng cấp, ngành, thành viên của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, không để tình trạng né tránh nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, tỉnh tăng cường cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc còn tồn đọng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các thiết chế cộng đồng tham gia mạnh mẽ, chủ động, tích cực, hiệu quả các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh chọn điểm mang tính chất đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Địa phương nào có điều kiện thuận lợi sẽ tập trung chỉ đạo để về đích sớm, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình phấn đấu thực hiện từng nội dung, tiêu chí, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từ đó phân bổ các nguồn vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Ưu tiên nguồn lực cho các xã được phê duyệt về đích trong giai đoạn và trong năm kế hoạch đặt ra.

Để tháo gỡ những khó khăn về kinh phí xây dựng nông thôn mới, Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định một số nội dung, mức hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước với trọng tâm: hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở; hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, thôn; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội/ Tổ hội Nông dân nghề nghiệp...
 

Tác giả bài viết: Theo Nhật Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây