Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ 2016 - 2020
Thứ năm - 30/06/2016 10:5312.9650
Thực hiện Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 22/4/2011 của Tỉnh ủy về “tiếp tục triển khai phong trào thi đua dân vận khéo giai đoạn 2011 - 2015”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo đã đạt được nhiều kết quả, nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác dân vận ngày càng nâng lên; các cấp ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phong trào thi đua, gắn với kiểm tra thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.
Hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước có những đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động ngày càng gần dân, sát dân, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, nên được đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực ủng hộ. Trong lĩnh vực kinh tế, phong trào dân vận khéo đã phát huy hiệu quả rõ rệt, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động những hộ có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ cho 29.573 lượt hộ nghèo vay vốn theo phương thức trả chậm không tính lãi hoặc lãi suất thấp, giúp đỡ cây con giống, phân bón, vật tư nông nghiệp với tổng trị giá thành tiền trên 146,7 tỷ đồng. Phối hợp với ngân hàng chính sách giải ngân vốn cho các hội viên nghèo, phối hợp ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân. Đồng thời, tổ chức giới thiệu các mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi để đoàn viên, hội viên tham quan, nghiên cứu học tập. Do đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Trong xây dựng nông thôn mới, công tác dân vận và phong trào thi đua Dân vận khéo đã huy động được nguồn lực từ nhân dân, sức dân để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị đã xây dựng được hơn 123 mô hình Dân vận khéo, tổ chức mở 353 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới cho hơn 9.000 lượt người tham gia; phát trên 4.000 tờ rơi, 2.510 cuốn tài liệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; 150 cuốn sổ tay và 91 cuốn sách dân vận khéo,… toàn tỉnh đã giải ngân hơn 5.849,8 tỷ đồng, trong đó, vốn vận động nhân dân đóng góp trên 220,9 tỷ đồng. Các mô hình, điển hình Dân vận khéo tham gia xây dựng nông thôn mới khá phong phú, đa dạng, như: hội phụ nữ cấp thôn, ấp xây dựng phong trào “5 không, 3 sạch”, thu gom rác thải, bảo vệ giữ gìn vệ sinh môi trường; Đoàn thanh niên một số địa phương xây dựng các công trình thanh niên, tủ sách pháp luật; Hội nông dân mô hình “Trồng rau an toàn”, mô hình “thành lập tổ hội sản xuất Điều”, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 03/92 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã hoàn thành được 70 - 80% tiêu chí nông thôn mới, 20 xã điểm đạt trung bình 12,3/19 tiêu chí.
Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự, đã xây dựng được nhiều mô hình khá nổi bật như: mô hình “Liên gia tự quản” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Tiếng kẻng an ninh” của các thôn, ấp; mô hình “Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu”, “Khu dân cư nói không với tội phạm”…, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai rộng khắp và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá nhiều tụ điểm cờ bạc, ma túy và tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo đã từng bước đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ kết quả thực tiễn trên, phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục được khẳng định là một chủ trương đúng đắn, có tác dụng tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì phong trào thi đua dân vận khéo vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế tồn tại, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác; tập trung triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ X về công tác dân vận, gắn với triển khai thực hiện Chương trình hành động số 31 – Tr/TU ngày 6/9/2013 của Tỉnh ủy về Nghị quyết số 25 – NQ/TW “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
2. Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời phổ biến chính sách, pháp luật đến với Nhân dân; xây dựng phong cách người cán bộ, công chức, viên chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện hiệu quả Quyết định 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân vận, trong đó có công tác dân tộc, công tác tôn giáo.