Đồng chủ trì hội nghị có Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng.
250 đại biểu là lãnh đạo, công chức phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ Sở KH-CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực Đông Nam bộ; các doanh nghiệp và nông dân trồng điều tiêu biểu trên địa bàn tỉnh…
Hội thảo có 7 báo cáo tham luận và 1 phát biểu của ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An (phường Phước Bình, thị xã Phước Long).
Bình Phước có 174.000ha cây điều, chiếm 50% sản lượng điều cả nước. Thiên nhiên ưu đãi, tiếng thơm hạt điều Bình Phước đã có trên thị trường trong và ngoài nước. Cây điều đã góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ nông dân; giải quyết việc làm cho 50.000 lao động tại 225 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều trên địa bàn. Xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hạt điều Bình Phước là cơ sở để Bình Phước trở thành “thủ phủ” cả về chế biến, xuất khẩu, góp phần tăng giá trị hạt điều Bình Phước trên thị trường, tăng thu ngân sách tỉnh.
Những năm qua, Bình Phước đã có nhiều chính sách, định hướng nhằm phát triển ngành điều. Trong đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước được xác định là giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, mở rộng xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ngành điều bền vững. Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH-CN, hạt điều Bình Phước trở thành một trong 2 sản phẩm được hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do cơ quan Phát triển Pháp tài trợ. Phát triển chỉ dẫn địa lý là công cụ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đảm bảo phát triển bền vững.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày hạt điều
Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm cho rằng: Có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là điều rất khó nhưng giữ vững và phát triển chất lượng hạt điều Bình Phước sau bảo hộ mới là thách thức, nhiệm vụ khó khăn đối với nông dân trồng điều, doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều trên địa bàn tỉnh.
Từ bài học thực tiễn trong xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cà phê Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk, Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm đề nghị UBND tỉnh Bình Phước ban hành những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ việc trồng, sản xuất, chế biến điều; đưa ra những chế tài nghiêm khắc để bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với giống cây điều Bình Phước; hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm từ hạt điều nhằm mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm điều - Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN nói.