Các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước luôn xác định rõ vai trò, đóng góp của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Luôn quan tâm phân bổ nguồn lực, ban hành chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển. Đến nay toàn tỉnh có 307 hợp tác xã, với gần 11.400 thành viên và 1.375 tổ hợp tác, 12.390 thành viên, với ngành nghề, lĩnh vực, quy mô và trình độ rất đa dạng, đã hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm cho khoảng 12.000 thành viên hợp tác xã và hơn 7.000 lao động thường xuyên trong hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, phân phối lợi nhuận theo thỏa thuận liên kết hợp tác.
HTX sản xuất, chế biến điều Thanh An (Hớn Quản) kiểm tra chất lượng sản phẩm
trước khi đưa đi tiêu thụ (Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/134678/)
Qua đánh giá tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về phát triển kinh tế tập thể cho thấy khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên năng lực nội tại của một số hợp tác xã còn yếu, trình độ cán bộ quản trị, điều hành hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Nhiều hợp tác xã chưa thực sự đổi mới phương thức hoạt động, thiếu liên doanh, liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm. Một số hợp tác xã hoạt động chưa đúng với bản chất, chưa tạo được các dịch vụ, lợi ích thu hút xã viên tham gia hợp tác xã. Để khắc phục những hạn chế trên và quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tỉnh ủy Bình Phước xây dựng Chương trình hành động số 35-CTR/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 550 hợp tác xã, 1.500 tổ hợp tác, 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045 phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời, đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể:
Nhận thức đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, không phải của riêng người nông dân, cán bộ địa phương mà tất cả các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo các cấp. Từ đó mới dành sự đầu tư, huy động, lồng ghép các nguồn lực, nhất là tranh thủ nguồn lực trong và ngoài tỉnh, nguồn hỗ trợ của Trung ương để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững.
Tiếp tục có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Trước hết triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; rà soát các chính sách của tỉnh đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, nhất là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác xã, chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho hợp tác xã nhằm bảo đảm đồng bộ, thiết thực, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh trong tình hình mới. Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể được tiếp cận thông tin, nguồn lực, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, các tiêu chuẩn về chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm, thủ tục đăng ký sản phẩm thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm để phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể; khuyến khích liên kết kinh tế giữa các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong cùng ngành, cùng lĩnh vực, tùy theo nhu cầu, khả năng của các tổ chức. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Phát triển các loại hình kinh tế tập thể theo định hướng chung, theo quy hoạch, chiến lược, tôn trọng quy luật thị trương, Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách để kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy hiệu quả vai trò của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác các cấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý kinh tế tập thể. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã đối với phát triển kinh tế tập thể. Tăng cường tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và Nhân dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, thành viên tham gia kinh tế tập thể; phát hiện những nhân tố điển hình trong quản trị, điều hành hiệu quả các tổ chức kinh tế tập thể để nhân rộng; làm cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với thành phần kinh tế tập thể trong tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số hiện nay mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tập thể nói riêng. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân các tổ chức kinh tế tập thể về phát huy nội lực, tự đổi mới phương thức quản lý kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để thích ứng và tận dụng tốt cơ hội duy trì sản xuất kinh doanh, mở rộng hoạt động, thị trường.
LQ