Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ

Thứ ba - 21/03/2023 17:31 802 0
Sáng nay 18/3, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. 
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
 
Đại biểu dự hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ.


 Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
 
Đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội nghị cho biết có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh với số vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng.
 
Trong những năm qua, nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hội nghị tổng kết lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Hội nghị còn tạo điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Từ khi triển khai chương trình hợp tác (năm 2016) đến nay, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã thực sự trở thành cầu nối giúp các tỉnh, thành phố liên kết, hợp tác với nhau, đạt được những kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Tại Bình Phước, trong những năm qua, Chương trình hợp tác đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị

 
Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký gần 20 ngàn tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và an sinh xã hội ngày càng có nhiều kết quả tốt đẹp. Qua đó, có thể khẳng định Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh là rất hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.

Là một địa phương giàu truyền thống cách mạng và đa dạng về bản sắc văn hóa, Bình Phước cách TP. Hồ Chí Minh 110km, có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với các tỉnh Tây Nguyên. Bình Phước còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Với lợi thế về đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, Bình Phước luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, có sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội... Các doanh nghiệp đã tìm kiếm được nhiều cơ hội và thuận lợi trong phát triển kinh doanh

Đồng chí Trần Tuệ Hiền cho biết thêm: Hiện nay, Bình Phước có 15 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 KCN với diện tích 6.065ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Trong đó, KCN Becamex - Bình Phước với diện tích 2.450ha và KCN Minh Hưng - Sikiko 655ha, là 2 KCN có quy mô lớn, hạ tầng đầu tư đồng bộ, giao thông thuận tiện. KCN Minh Hưng - Sikiko được VCCI công nhận là “KCN tiêu biểu năm 2022”. Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của tỉnh khoảng 10.000ha, trong đó có KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ ký kết chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2023-2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương trong vùng cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển; cần phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động. Riêng TP. Hồ Chí Minh cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương phát triển…; có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại của địa phương và khu vực. "TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động vùng", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023 về các nội dung: Công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Việc liên kết, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ cũng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm.

Sau hội nghị, TP. Hồ Chí Minh sẽ ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bọ đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: Về cơ chế điều phối phát triển vùng, quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, môi trường, chuyển đổi số. phát triển nguồn nhân lực..
.

Trước đó, vào chiều 17/3, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bô, UBND tỉnh Bình Phước đăng cai tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị kết nối giao thương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm tham gia kết nối với các nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 33 biên bản ghi nhớ được ký kết tại hội giữa các tỉnh trong vùng với các nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị.
 

Tác giả bài viết: Minh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây