Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ

Chủ nhật - 05/02/2023 03:18 1.811 0
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Huỳnh Thị Hằng vừa ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/01/2023 về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Nghị quyết này, phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh Bình Phước; tổng diện tích tự nhiên là 6.873,56 km2, ở toạ độ địa lý từ 11°22’ đến 12°16’ độ vĩ Bắc, 102°8’ đến 107°8’ độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia.

Mục tiêu tổng quát mà Quy hoạch đưa ra: Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”. Phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị. Tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu. Hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số. Đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vừng mạnh toàn diện.
 
Quan điểm quy hoạch của tỉnh là phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển cho vùng phía Nam: thành phố Đồng Xoài - huyện Đồng Phú - thị xã Chơn Thành

Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,5%, giai đoạn 2031 - 2050 đạt 8 - 9%.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%. Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.

 
Đại biểu Võ Sá trình bày Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021 - 2030 là 15.000 doanh nghiệp. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35, đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước.

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 là 600 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 210 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 390 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%, đến năm 2030 đạt 50%, đến năm 2050 đạt 75 - 80%.

GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 106 triệu đồng (4.600 USD), năm 2030 đạt 180 triệu đồng (7.500 USD), đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7%/năm.

Khách du lịch đến năm 2025 đạt 2 triệu lượt khách, năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt khách.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới./.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây