Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển Bình Phước nhanh và bền vững

Thứ tư - 02/11/2022 19:04 1.324 0
Những năm qua, Bình Phước luôn xác rõ tầm quan trọng và dành nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,  nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, khu vực, tạo diện mạo mới cho tỉnh. Nguồn lực đầu tư ngày càng đa dạng, ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã có sự tham gia của toàn xã hội.
Đến nay, hệ thống giao thông Bình Phước có 03 tuyến Quốc lộ, 15 tuyến đường tỉnh, 135 tuyến đường huyện, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuyến đường tuần tra biên giới; tỷ lệ nhựa hóa chung đạt khoảng 64,17%. Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kết nối liên thông hệ thống giao thông tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia và các đầu mối vận tải quan trọng của vùng.
 
Hàng loạt dự án hạ tầng tại Bình Phước đang được thúc đẩy triển khai

Ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn như: cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn ĐắkNông – Chơn Thành (Bình Phước), đoạn Chơn Thành (Bình Phước) – Đức Hòa (tỉnh Long An); các tuyến đường nhằm kết nối tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; đường Đồng Phú – Bình Dương; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối nội tỉnh… Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư 34 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 67.900 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện các tuyến đường đối ngoại, liên kết vùng và nội tỉnh theo quy hoạch.

Để đạt mục tiêu trên, Kết luận 358-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Đề án của UBND tỉnh về phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh đã xác định các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

- Rà soát, điều chỉnh, cập nhật hệ thống giao thông, các phương án tuyến quan trọng vào Quy hoạch tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành kèm theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ), đồng bộ với quy hoạch các đô thị, nông thôn và các ngành kinh tế.

- Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về huy động nguồn lực, chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh theo đề án.

- Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi được Trung ương phân bổ cho tỉnh.

- Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, khai thác; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, vật liệu mới trong quản lý, xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình./. 

Tác giả bài viết: LQ

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây