Cùng chủ trì hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham dự.
Về phía tỉnh Bình Phước, tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi và lãnh đạo các ban, sở, ngành cùng đại diện hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, đây là hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp
Để nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 23-11-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 24 nhằm xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; TP. Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế… Nghị quyết cũng đề ra 19 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng Đông Nam Bộ như: Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8-8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 380 triệu đồng, tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 100%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%…
Vể vùng Đông Nam Bộ phát triển đột phá, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ “5 mẫu thuẫn, 6 thách thức”, từ đó phân tích, gợi mở về 3 vấn đề “Tư duy mới- Đột phá mới- Giá trị mới” để phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. |
Thủ tướng khẳng định, Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và rõ ràng. Những thành quả phát triển của Vùng đã rõ và góp phần quan trọng vào thành quả phát triển chung của quá trình 35 năm đổi mới đất nước, đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 khu vực Đông Nam Bộ đã có đóng góp quan trọng vào sự phục hồi phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những thành quả đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tham luận phát biểu tại hội nghị đa dạng, phong phú, nội dung toàn diện; trong Chương trình hành động Nghị quyết 24 của Chính phủ đã nêu rất rõ.
Để vùng Đông Nam Bộ phát triển đột phá, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ “5 mẫu thuẫn, 6 thách thức” với vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể, (1) Vùng Đông Nam Bộ có tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. (2) là kết nối hạ tầng chiến lược đồng bộ chưa đầy đủ, toàn diện, cắt khúc nhiều. (3) việc Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào nhà nước; các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là nội lực chưa phát huy. (4) Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm vai trò, vị trí và lợi thế của vùng. (5) Phát triển văn hóa chưa theo kịp chính trị, kinh tế và xã hội, chưa ngang tầm, tương xứng.
“Thách thức lớn nhất ở đây chính là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị; tắc nghẽn giao thông; tác động bởi chống biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; phân hóa giàu nghèo và vấn đề an sinh xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
|
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển. |
Thủ tướng nhắc lại Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của vùng Đông Nam Bộ nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Với quan điểm là phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm tổng thể nhưng phải bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích, gợi mở về 3 vấn đề “Tư duy mới- Đột phá mới- Giá trị mới” của vùng Đông Nam Bộ.
Theo Thủ tướng, “Tư duy mới” là phải tư duy tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, dựa vào nội lực, là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa và tinh thần đoàn kết dân tộc... Nội lực kết hợp với ngoại lực là vốn, thể chế, tạo nguồn nhân lực, khoa học quản lý để phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng phải tích cực chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả; lấy người dân là trung tâm, làm chủ thể để xây dựng chính sách và thực hiện chính sách.
“Tư duy mới” là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể. “Đây không phải là tư duy mới, thực tế từ thời bao cấp chúng ta đã thực hiện điều này, minh chứng là quá trình phát triển tự lực, tự cường, đưa Việt Nam thành một đất nước có cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay. Vì vậy phải phát huy nhiều hơn nữa, và phải làm tốt hơn nữa”. Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành tham quan gian hàng tỉnh Bình Phước
Về “Đột phá mới” theo Thủ tướng đó chính là cách thức, phương thức huy động nguồn lực. “Chúng ta có nguồn lực của đất nước, nguồn lực của Nhân dân, nguồn lực từ nước ngoài… tuy nhiên so với những gì chúng ta có, so với thế giới chúng ta còn thấp và trong quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế phải huy động bằng nhiều phương thức, đó là: Cơ chế chính sách đột phá, ổn định, phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, cụ thể, rõ ràng không trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước. Các địa phương, doanh nghiệp phải làm vấn đề này”. Thủ tướng yêu cầu.
Về Huy động nguồn lực hợp tác công tư, Thủ tướng gợi ý vùng Đông Nam Bộ 3 mô hình: (1) Lãnh đạo công và quản trị tư khu công nghiệp, chế xuất và khu công nghệ cao; (2) Đầu tư công và quản lý tư; (3) Đầu tư tư nhưng sử dụng công.
4 đột phá vùng Đông Nam Bộ cần tập trung thực hiện theo gợi ý của Thủ tướng, đó là: Các địa phương phải sáng tạo, năng động, huy động nguồn lực và quyết liệt trong thực hiện. Lấy giáo dục, đào tạo, tăng năng suất lao động, đổi mới khoa học công nghệ, phong trào lập nghiệp trở thành xu thế; đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trở thành phong trào. Phải tập trung thực hiện, từ đó góp phần vào hoàn thiện con người Việt Nam, phát huy tối đa yếu tố trí tuệ, năng lực, đạo đức, phẩm chất của con người Việt Nam để phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường; các cấp, các ngành cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính; chính sách ổn định; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Tập trung vào thực hiện an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp, công nhân lao động; chăm lo tốt cho người có công với cách mạng, với đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành tham quan gian hàng tỉnh Bình Phước
Làm rõ nội hàm "giá trị mới", Thủ tướng cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. "Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn".
Thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Phải khắc phục bằng được những vấn đề tồn tại mà người dân bức xúc như vấn về biến đổi khí hậu, môi trường.
Giá trị mới nữa là chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững, bao trùm, tiêu biểu cả nước, góp phần vào thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, làm hình mẫu cho các vùng khác.
Giá trị mới lớn nhất của vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng nêu rõ.
Với khí thế mới, động lực mới, tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vùng Đông Nam Bộ sẽ triển khai thành công Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, đạt nhiều thành quả, khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ là đúng, trúng, mang lại hiệu quả.
Nhân dịp này, nhắn nhủ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, đã nói thì phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, với phương châm lợi ích hài hoà, khó khăn, rủi ro chia sẻ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ KH&ĐT và các đối tác phát triển; trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho các địa phương trong Vùng và vùng Đông Nam Bộ./.