Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giúp UBND tỉnh xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế cởi mở và môi trường thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Giai đoạn 2011-2015, Bình Phước có 38 đề tài KH&CN cấp tỉnh được nghiệm thu, qua đó sở đã thực hiện 51 lượt chuyển giao kết quả nghiên cứu cho 34 đơn vị trong tỉnh ứng dụng.
Những điều tra cơ bản của các đề tài, dự án đã xây dựng cơ sở khoa học cho việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống những tác hại của thiên tai, bảo vệ sức khỏe cộng đồng… KH&CN đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa.
Tại buổi làm việc, các thành viên dự họp đề xuất: Tạo điều kiện để KH&CN giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh cần có sự tài trợ, thương mại hóa một số sản phẩm cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Bất cập hiện nay là ở cấp huyện, thị xã không có người chuyên trách về lĩnh vực KH&CN. Cần có giải pháp giữ người tài trong lĩnh vực KH&CN ở lại tỉnh công tác. Lực lượng mỏng, không có nhà khoa học đầu ngành, vì vậy cần đặt hàng đề tài để các nhà khoa học trong, ngoài nước đăng ký thực hiện…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Trai cho rằng: Việc nghiên cứu KH&CN còn mang tính dàn trải, lĩnh vực khoa học - xã hội và nhân văn chiếm tỷ lệ cao, các đề tài về khoa học tự nhiên còn ít. Sở cần xem xét lại bao nhiêu đề tài nghiệm thu, đưa vào ứng dụng nhưng có hiệu quả hay không, sản phẩm mang lại hiệu quả gì đối với xã hội? Phải xây dựng thị trường KH&CN, đưa ra được ngân hàng các đề tài đã nghiệm thu của các tỉnh, nếu cần thiết mua lại những nghiên cứu thành công sử dụng vào địa bàn tỉnh, đồng thời tránh được tình trạng sao chép.
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu: Ngành KH&CN tỉnh phải thống kê, phân tích cho được bao nhiêu phần trăm đề tài đã ứng dụng vào thực tiễn, còn lại bao nhiêu xếp vào ngăn tủ? Đồng thời mạnh tay gạt bỏ những đề tài không cần thiết. Nhiều tỉnh, thành đã thực hiện thành công đề tài, đề nghị Sở KH&CN chỉ mua công nghệ và chuyển giao, tránh tình trạng lãng phí khi phải nghiên cứu lại. Không được hành chính hóa khoa học.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, những người thực tài, thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài về, các đơn vị sự nghiệp cần tuyển thẳng không phải qua thi tuyển công chức. Sở KH&CN cần tập trung nghiên cứu, biến nền sản xuất nông nghiệp Bình Phước thành nền sản xuất chất lượng cao, cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho cả nước và xuất khẩu. Tăng cường thêm vốn từ trung ương, vốn từ ngân sách cho quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ. Đồng thời quan tâm, nâng cao năng lực đơn vị đo lường chất lượng, để sản phẩm của tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế.