Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành niềm tin vững chắc và kỳ vọng lớn vào thế hệ trẻ. Người đã nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"; đồng thời Người cũng khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Những lời dạy của Bác không chỉ là bài học đơn giản, mà chứa đựng triết lý sâu sắc về giáo dục, xây dựng con người và phát triển đất nước. Những lời nhắn nhủ của Người chính là trách nhiệm lớn lao mà thế hệ trẻ phải gánh vác, với mục tiêu đưa đất nước Việt Nam trở nên tươi đẹp hơn. Chính vì vậy, mỗi cá nhân trong thế hệ trẻ cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước, trở thành những người tiên phong, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung.
Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15-9- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Từ những chỉ dạy của Bác Hồ cho thấy, giáo dục là nền tảng quan trọng để vươn tới khát vọng đất nước hùng cường. Bên cạnh giáo dục về tri thức, giáo dục để làm người, Đảng, nhà nước ta cần phải giáo dục để hình thành, nuôi dưỡng khát vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hùng cường của dân tộc. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức! Một dân tộc thông minh, cần cù thì không thể cam chịu yếu kém, lạc hậu và nghèo nàn!
Theo Người: “Tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”. Trong thư gửi thanh niên, Bác viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải học tập và làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”.
Để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, sự chăm lo của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân, cũng như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm về sự trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới, thế hệ trẻ cần phát huy lòng tự trọng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cũng như hun đúc thêm niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước, kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước; góp phần đưa đất nước Việt Nam đi lên giàu mạnh, phồn vinh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.
Với tầm nhìn chiến lược và tình thương yêu to lớn đối với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đánh giá đúng đắn vai trò của thế hệ trẻ. Tư tưởng của Người về bồi dưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vẫn luôn mang tính thời sự, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chúng ta càng thấm thía những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như xây dựng phát triển đất nước, nhất là những lời dạy của Người đối với thế hệ trẻ. Vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thế hệ trẻ - những người có trách nhiệm tiếp bước cha anh, thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang của dân tộc, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào của thế hệ trẻ khi góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước trên trường quốc tế. Vì thế, ngọn lửa tinh thần ấy phải được đốt cháy bất diệt, để tuổi trẻ thực sự mãi mãi là mùa Xuân của xã hội.
Cả xã hội dường như đang sôi sục chuyển mình, mọi hoạt động dường như không thể chậm trễ, nếu để lỡ cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với đất nước, có lỗi với dân tộc Việt Nam… Chúng ta cảm nhận được sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị từ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước cho đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội… với tầm nhìn chiến lược và các giải pháp mạnh mẽ đều được triển khai nhanh chóng, quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” sau khi những bài viết, bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm được thông tin rộng rãi trên báo chí, truyền thông.
Bằng những thông điệp mạnh mẽ, với tầm nhìn sâu rộng, bao trùm, từ công tác cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, cho tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là vấn đề lãng phí nguồn lực xã hội..., những bất cập, hạn chế, lực cản trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã tồn tại lâu nay. Những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực sự thức tỉnh xã hội, cũng như truyền cảm hứng tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về ý chí quật cường, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ, thôi thúc sự trỗi dậy của một dân tộc anh hùng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới. Nguồn httpstapchimythuat.vn
Dân tộc ấy đã trải qua biết bao gian khổ, đau thương bởi chiến tranh, đó là xương máu, là phẩm giá, danh dự, tự trọng và lòng tự hào, tự tôn dân tộc được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước, được bồi đắp bởi sự hy sinh cao cả, thiêng liêng của hàng triệu người con ưu tú đã nằm xuống cho Tổ quốc hòa bình hôm nay. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…
Dân tộc ấy tự hào về quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước trong gần 80 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945); gần 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà (30/4/1975) và sau gần 40 năm đổi mới kể từ Đại hội VI của Đảng (1986). Dân tộc Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều phương diện, kinh tế, chính trị, văn hóa… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trải qua 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc…, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng đã minh chứng cho tầm nhìn, tư duy lãnh đạo của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Tầm nhìn đó được thể hiện rõ nhất tại Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là lần đầu tiên trong chủ đề Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra yêu cầu khơi dậy khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường. Đây là thông điệp có sức thôi thúc vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam… Lần đầu tiên chúng ta đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tầm nhìn Việt Nam phải trở thành một nước phát triển có thu nhập cao…
Kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay sau khi đảm nhiệm cương vị cao nhất của Đảng (ngày 3/8/2024) đã có nhiều bài viết, bài phát biểu quan trọng với những thông điệp mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa những tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh được đúc rút, bồi đắp từ các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, cũng như tiếp tục truyền cảm hứng đến người dân về khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trước những cơ hội lịch sử của đất nước, cũng là cơ hội và thách thức để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Theo Người: “Tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”. Trong thư gửi thanh niên, Bác viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải học tập và làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”.
Theo thống kê mới nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, hiện nay nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động; gần 60% thanh niên sống ở nông thôn; 98,7% người trong độ tuổi lao động có việc làm. Đây là nguồn lực dồi dào cho quá trình kiến thiết, xây dựng đất nước. Lực lượng này luôn thể hiện rõ những phẩm chất cần mẫn, thông minh, sáng tạo, cùng với lợi thế về khả năng thích ứng nhanh, bắt kịp với sự phát triển của khoa học, sự tiến bộ của công nghệ. Bên cạnh đó là thách thức về sự cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam cần nỗ lực hết mình và có sự chuẩn bị cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ và tư duy để bước vào kỷ nguyên mới này. Do đó, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới đó là:
Một là, rèn luyện tri thức và kỹ năng: Thế hệ trẻ phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và ngoại ngữ. Sự học tập không ngừng giúp thế hệ trẻ thích nghi với sự thay đổi của thời đại và trở thành lực lượng lao động chất lượng cao. Vì vậy, cần tích cực và chủ động trong học tập và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, phát triển kỹ năng mềm như tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Hai là, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Khởi nghiệp không chỉ là cơ hội để thanh niên thể hiện tài năng mà còn là động lực phát triển kinh tế đất nước. Thế hệ trẻ cần mạnh dạn thử nghiệm, sáng tạo và tạo ra giá trị mới như nghiên cứu, xây dựng ý tưởng sáng tạo và bền vững, tham gia các dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Ba là, cống hiến vì cộng đồng và xã hội: Thanh niên cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội, góp phần xây dựng một xã hội nhân ái và văn minh. Tham gia bảo vệ môi trường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và lan tỏa giá trị sống tích cực. Tích cực tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng và vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bốn là, giữ vững đạo đức và lý tưởng sống: Là lực lượng đại diện cho tinh thần và phẩm chất đạo đức của dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống là trách nhiệm hàng đầu của thế hệ trẻ. Cần đề cao lối sống trung thực, có trách nhiệm và tôn trọng pháp luật. Đồng thời, lan tỏa lối sống tích cực, chống lại các tệ nạn xã hội.
Năm là, hội nhập quốc tế và phát huy bản sắc dân tộc: Thế hệ trẻ cần năng động, sáng tạo trong tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới nhưng đồng thời phải bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc. Đây là cách giúp Việt Nam khẳng định vị thế và bản sắc trên trường quốc tế.
Có thể khẳng định rằng, thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bằng tinh thần trách nhiệm, ý chí kiên cường và lòng yêu nước, thế hệ trẻ cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trí tuệ sáng tạo, kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước; xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, sự chăm lo của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân, cũng như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm về sự trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới, góp phần đưa đất nước Việt Nam đi lên giàu mạnh, phồn vinh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước./.