Huyện Bù Gia Mập thành lập và hoạt động từ ngày 1-11-2009 gồm 18 xã. Tháng 8-2015, Bù Gia Mập chia tách để thành lập huyện Phú Riềng. Từ đó đến nay, huyện Bù Gia Mập có 8 xã, dân số 85 ngàn người, trong đó hơn 36% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 15 năm thành lập, huyện đã vượt khó đi lên, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.
15 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 2009, Bù Gia Mập là một trong những huyện rất khó khăn. Kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp - dịch vụ chưa phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Đời sống nhân dân trong huyện gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,58 triệu đồng/năm. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… Đó là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của huyện.
Một góc trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập
Sau 15 năm thành lập, vượt lên khó khăn, huyện đã có những bước chuyển biến tích cực, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, sản xuất, kinh doanh tương đối phát triển, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm liên tục tăng. Thu ngân sách năm 2024 ước đạt 206 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 8%.
Những năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy mạnh, góp phần thay đổi diện mạo huyện vùng biên.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp mang lại hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo từ 8,26% (năm 2009) giảm xuống còn 2,03% (đầu năm 2024). Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được đẩy mạnh, số lao động được tạo việc làm ngày càng tăng. Đến nay, đã giải quyết việc làm cho 46.508/38.314 lao động (đạt 121,38%); tỷ lệ lao động qua đào tạo 9.257/7.147 người (đạt 129,5%)...
Tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới 1.850 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mạng lưới giao thông vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư đồng bộ, kiên cố từ huyện đến xã, trong đó, số trường chuẩn quốc gia là 13/33 trường, đạt 40%...
Đa Kia đón nhận quyết định công nhận xã nông thôn mới
Sự nghiệp y tế được quan tâm, mạng lưới y tế từ huyện đến xã tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện với quy mô 50 giường và trạm y tế các xã theo chuẩn quốc gia gắn với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề và y đức của đội ngũ y, bác sĩ, đảm bảo khám, chữa bệnh cho nhân dân.
DẤU ẤN NGHỊ QUYẾT CỦA LÒNG DÂN
Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) và Nghị quyết số 03-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua hơn nửa nhiệm kỳ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết số 02 và 03 đã đạt những kết quả tích cực, được người dân đồng thuận, hưởng ứng.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập Lý Trọng Nhân trao bằng công nhận Trường THPT Đa Kia đạt chuẩn quốc gia mức độ 1
Trong đó, Nghị quyết số 02 về phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống GTNT là một trong 3 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Gia Mập lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Huyện đã đẩy mạnh phong trào làm đường GTNT rộng khắp ở 8 xã và 68 thôn. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện ngày càng hoàn chỉnh và đang từng bước được nâng cấp, mở rộng phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.270 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân mỗi năm 21,71%. Huyện đã quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm: Phú Nghĩa II với diện tích 30 ha, Phú Nghĩa III với diện tích 30 ha và Đa Kia với diện tích 75 ha. Các cụm công nghiệp này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện 3.042 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,31%; mạng lưới thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, nhất là ở khu vực trung tâm các xã như: Phú Nghĩa, Đa Kia, Đắk Ơ… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đời sống nhân dân.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Gia Mập quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII và nghị quyết của cấp ủy cấp trên.