Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chuyển biến rõ rệt. Diện tích trồng trọt trên địa bàn huyện hiện trên 103 ngàn ha, trong đó 59 ngàn ha điều; 1,3 ngàn ha tiêu; hơn 31 ngàn ha cao su; hơn 10 ngàn ha cà phê. Đàn gia súc hơn 32 ngàn con, gia cầm hơn 506 ngàn con (tăng 20 lần so với năm 2008). Việc cải tạo các hồ đập tự nhiên để phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân được chú trọng. Địa bàn huyện hiện có 26 hồ đập chứa nước, 75km kênh mương nội đồng, trong đó đã kiên cố hóa 13km, góp phần chủ động tưới tiêu cho 930 ha cây trồng hằng năm.
10 năm qua, cơ quan chức năng đã tổ chức 1.446 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; cấp hơn 26,8 ngàn cây ca cao, 22 ngàn cây điều, hơn 57 ngàn tấn phân bón NPK cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện 10 mô hình trồng cao su, 40 mô hình cải tạo vườn điều, 25 mô hình trồng ca cao xen điều, 11 mô hình cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi, 15 mô hình chăn nuôi gà, heo; xây dựng 12 mô hình chống xói mòn trên đất dốc, 15 mô hình trồng rau an toàn...
Hiện trên địa bàn huyện có 24 tổ hợp tác, 21 hợp tác xã, 104 trang trại. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1.727 hộ, cận nghèo 805 hộ. Đường vào trung tâm các xã đều được thâm nhập nhựa, 100% thôn có đường cấp phối sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa. Toàn huyện đã làm mới, nâng cấp, sửa chữa 68,7km đường trục chính thôn, ấp; kéo 270km đường điện chiếu sáng... 2 xã Đức Liễu và Minh Hưng đã về đích nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 7-16 tiêu chí...
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn tồn tại một số hạn chế như chưa phát triển bền vững; năng suất một số cây trồng, vật nuôi chưa cao; sản phẩm phần lớn đang ở dạng thô, chưa có thương hiệu; chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có của huyện...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền đề nghị: Thời gian tới, Bù Đăng cần tập trung rà soát lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhưng tránh tình trạng phát triển ồ ạt, phải quan tâm khâu chế biến để chủ động đầu ra sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến về mặt nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.