Tham dự buổi lễ trọng đại này có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết - Nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Lê Thanh Hải - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh; Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; Nguyễn Quốc Cường -Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai; đại diện lãnh đạo Quân khu 7, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm đồng; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
Tỉnh Bình Phước có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trăm - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQVN tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh và các huyện, thị xã; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các đảng viên cao tuổi Đảng và đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh dự lễ.
Diễn văn họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước nêu rõ: Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng miền Nam, phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề. Tháng 1/1959, Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra đời, đáp ứng nguyện vọng khát khao về phương pháp đấu tranh cách mạng, là ánh sáng soi đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Tháng 2/1962, Trung ương Cục quyết định sát nhập C150 về lại Tây Ninh, tách Bình Long khỏi Đảng bộ miền Đông, thành lập Khu 10 gồm 4 tỉnh: Bình Long, Phước Long, Lâm Đồng và Quảng Đức.
Toàn cảnh buổi lễ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân hai tỉnh Bình Long, Phước Long đã từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị đơn thuần chuyển sang thế tiến công. Nổi bật là chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài đã phá hàng loạt chiến lược, dinh điền của địch, giải phóng trên 5 vạn dân. Trong chiến tranh ác liệt, gian khổ và hy sinh, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, ra sức xây dựng lực lượng về cả quân sự và chính trị. Trước chuyển biến tình hình chiến trường, ngày 30/1/1971, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 1/NQ giải thể Khu ủy Khu 10; tách tỉnh Quảng Đức về Khu 6 và thành lập Đảng bộ phân khu Bình Phước (gồm Bình Long, Phước Long) trực thuộc Trung ương Cục, về chính quyền gọi là tỉnh Bình Phước, gồm các đơn vị Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp, Bù Đăng, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Gia Mập. Nhiệm vụ của Phân Khu ủy Bình Phước là tổ chức và lãnh đạo phá âm mưu bình định của Mỹ - ngụy...
Trong chiến dịch Đông Xuân 1974 - 1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phòng hoàn toàn chi khu quận lỵ Phước Bình, đến 6/1/1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long. Đây là lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng. Ngày 23/3/1975, tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long - Trung tâm chính trị, hành chính, nơi đặt bộ máy chính quyền của đối phương sụp đổ hoàn toàn, quận An Lộc - Trung tâm của tỉnh Bình Long được giải phóng buộc địch phải dời căn cứ về quận Chơn Thành để án ngữ bảo vệ Sài Gòn. Ngày 23/3 tỉnh Bình Phước được giải phóng. Đến ngày 2/4/1975, quận Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh được giải phóng, Bình Phước hoàn toàn sạch bóng quân thù, góp phần làm nên thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thay cho Xứ ủy Nam bộ cũ làm nhiệm vụ đại diện cho Trung ương trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau hiệp định Paris được ký kết, quân đội Mỹ rút về nước, tình hình trên chiến trường có lợi cho ta trên cả chiến trường miền Nam, trước tình hình đó Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã quyết định di chuyển Bộ Chỉ huy Miền về sóc Tà Thiết, đặt sở chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ, cơ quan tiền phương của Bộ Chỉ huy Miền.
Việc chọn Tà Thiết là nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy Miền, bởi Lộc Ninh là vùng giải phóng rộng lớn, huyện giải phóng đầu tiên của miền Nam (7/4/1972). Sau ngày giải phóng Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, chính nơi đây, đúng 19 giờ ngày 14/4/1975, tại căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đã nhận được bức điện 37TK do Tổng Bí thư Lê Duẫn ký đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia định thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/4/1975, Bộ Chỉ huy miền đã phát đi lệnh Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Căn cứ Bộ chỉ huy miền - Tà Thiết đã đi vào lịch sử của quân và dân ta trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1988, Bộ Văn hóa và Thông tin đã công nhận Di tích căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là Di tích cấp quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, di tích đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Đến ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là Di tích quốc gia đặc biệt.
Các đại biểu tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 - 23/3/2017) Sau 42 năm giải phóng tỉnh Bình Phước và sau 20 năm tái lập, vóc dáng tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi thay và phát triển. Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, đến nay Bình Phước có 13 khu công nghiệp với diện tích 5.000 ha; số doanh nghiệp tăng 13 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 39 lần, thu ngân sách tăng gấp 20 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 16 lần. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện, trường được phát triển khanh trang. Văn hóa, y tế phát triển; quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới được đảm bảo...
Báo cáo quá trình thực hiện dự án Khu Di tích Tà Thiết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho biết: Đây là một dự án lớn so với khả năng ngân sách tỉnh, do đó lãnh đạo tỉnh chủ trương thực hiện dự án với phương thức xã hội hóa kết hợp ngân sách tỉnh. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm 7 hạng mục: Tượng đài chiến thắng, mức đầu tư 15 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng tài trợ, đến nay hoàn thành phần đế, móng; đền thờ chính, mức đầu tư 10 tỷ đồng, Binh đoàn 16 hỗ trợ, đến nay đã hoàn thành; nhà truyền thống, mức đầu tư 6,5 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tài trợ, đã hoàn thành; nhà đón tiếp, mức đầu tư 15 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương tài trợ, đã hoàn thành; cổng chào, mức đầu tư 5 tỷ đồng, quân khu 7 hỗ trợ, đã hoàn thành; khu quảng trường, mức đầu tư 25 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp; hàng rào xung quanh chi làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dài 5km, Bộ quốc phòng tài trợ 20 tỷ đồng đang thi công.
Tổng cộng gia đoạn 1 đầu tư 97 tỷ đồng, trong đó các cơ quan, đơn vị tài trợ 72 tỷ đồng, số còn lại ngân sách tỉnh cấp.
Kết thúc buổi lễ, Ban Tổ chức thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành giai đoạn 1 dự án Căn cứ Tà Thiết.
Trước đó, từ sáng sớm các đại biểu đã dâng hương tại nhà tưởng niệm và tham quan khu di tích, trồng cây lưu niệm tại khu quảng trường của di tích.