Cử 2.285 cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Bình Phước đã cử 2.285 cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại các trường trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đào tạo chuyên môn, chuyên ngành cho 241 đồng chí. Ngoài ra, tỉnh còn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh về công tác xây dựng Đảng cho 1.167 đồng chí.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý qua 11 năm đào tạo đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đội ngũ cán bộ dự nguồn cao cấp, cán bộ cấp chiến lược do học viên tổ chức hiện đều giữ chức vụ cao hơn thời điểm cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đến nay, quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên của HVCT và Trường Chính trị tỉnh không ngừng được mở rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư nâng cấp; chế độ chính sách cho giảng viên, học viên luôn đảm bảo.
Tuy nhiên, công tác này vẫn tồn tại những hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, cơ sở còn bị động trong phối hợp với cơ quan chức năng và cơ sở đào tạo hoàn tất thủ tục mở lớp, làm ảnh hưởng đến kế hoạch, chương trình, tiến độ đã đề ra. Một số đơn vị cử cán bộ đi học chưa gắn với yêu cầu, nhiệm vụ và chức danh quy hoạch. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, cơ quan cử cán bộ đi học, cơ quan quản lý cán bộ trong việc theo dõi, quản lý và bố trí cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng với Hội đồng đào tạo - bồi dưỡng cán bộ tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Hữu thiết - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo
Đào tạo lý luận chính trị gắn liền thực tiễnTheo đánh giá chung của nhiều đại biểu dự tọa đàm, bên cạnh thuận lợi về công tác đào tạo cán bộ, quản lý thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do các cơ sở đào tạo yêu cầu cao về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển; một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thiếu cụ thể hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... Từ đó, các đại biểu đã có nhiều ý kiến xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hiệu phó Trường Chính trị tỉnh Đỗ Tất Thành cho rằng: Cần nâng cao chất lượng đi cơ sở, đánh giá sâu kết quả cũng như có chế tài cụ thể về việc đi thực tế và tăng cường giám sát thời gian tự học, tự rèn luyện của học viên. Quá trình tự học, tự nghiên cứu cần có sự quản lý, ràng buộc của đơn vị quản lý học viên. Đồng thời, HVCT quan tâm tạo điều kiện để giảng viên của Trường Chính trị tỉnh được học cao cấp lý luận chính trị nhằm phục vụ công tác giảng dạy, không cần phải là cán bộ nguồn.
Đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo Nhằm nâng cao và cập nhật kiến thức mới về hoạt động của Đảng, đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Đối với giáo trình, đơn vị đào tạo nên cập nhật nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đối với tiêu chuẩn, điều kiện các đối tượng tham gia học các lớp trung cấp, cao cấp chính trị cần có sự trao đổi, thống nhất để cấp tỉnh áp dụng. Ngoài ra, HVCT cũng cần tăng cường thêm các lớp bồi dưỡng chuyên đề, bồi dưỡng chức danh.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lê Hải Đăng, với đặc thù chuyên môn, cán bộ ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc học tập trung. Vì vậy, tỉnh tạo điều kiện mở các lớp đào tạo hệ vừa làm vừa học, vào dịp hè để cán bộ, giáo viên ngành giáo dục có điều kiện nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Đồng chí Huỳnh Hữu Thiết, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Thực tế cho thấy, học chính quy chất lượng sẽ tốt hơn hẳn vừa làm vừa học. Vì thế, từ trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên nên đào tạo tập trung. Đề nghị tỉnh nên tạo điều kiện xã hội hóa để nhiều cán bộ, đảng viên chủ động đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị chứ không đợi cơ quan, đơn vị cử đi.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền cho rằng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước luôn xác định công tác đào tạo cán bộ là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, sau 20 năm tái lập tỉnh với rất nhiều nỗ lực, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ, không ngừng phát triển về chất lượng và số lượng, đáp ứng công tác điều hành và nhu cầu công việc. Những kết quả này có sự phối hợp, hỗ trợ không nhỏ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thời gian tới, ngoài thực hiện những đề án, lộ trình về công tác đào tạo cán bộ, Bình Phước mong muốn tiếp tục đón nhận sự quan tâm nhiều hơn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cụ thể hóa những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đặc biệt là tăng chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Có chính sách ưu tiên đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ làm việc ở vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ người dân tộc thiểu số.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận PGS. TS Trương Thị Thông đánh giá cao những ý kiến xác đáng, tâm huyết của các đại biểu tại buổi tọa đàm. Đồng chí cho biết, trong khuôn khổ làm việc tại các tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến để có sự nghiên cứu, trao đổi cũng như bổ sung vào những nội dung đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời đề xuất những giải pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp hơn trong thời gian tới.