“Nóng” phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX

Thứ sáu - 08/12/2017 09:58
Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, phiên chất vấn đã “nóng” ngay sau giải trình của Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng tại nghị trường sáng 7-12.

Trong phiên thảo luận tổ diễn ra trước kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt ra 5 nhóm vấn đề liên quan đến thực trạng lạm thu đầu năm học, phòng học tạm, mượn còn nhiều, giáo viên thừa nơi này nhưng thiếu nơi kia ở hầu hết các cấp học chưa được giải quyết, cấp mầm non ở trường công lập quá tải, việc sáp nhập điểm lẻ về điểm chính khiến nhiều con em vùng sâu, vùng xa khó khăn trên đường đến trường và đứng trước nguy cơ bỏ học.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp

KHÓ KIỂM SOÁT TRƯỜNG HỌC LẠM THU

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng giải trình tại phiên chất vấn: Đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh công tác thu - chi, vận động đóng góp tại các trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn một số trường chưa triển khai họp với ban đại diện cha mẹ học sinh để lấy ý kiến thống nhất, lập dự trù thu chi không đúng quy định. Riêng việc thu - chi sai quy định của Trường mẫu giáo Vành Khuyên, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng đã chỉ đạo trả lại phụ huynh các khoản thu sai quy định, kỷ luật hiệu trưởng và các cá nhân liên quan. Toàn ngành giáo dục hiện còn thiếu 683 biên chế, trong đó cấp mầm non thiếu gần 500 giáo viên. Thủ tục cấp đất xây dựng trường rất khó khăn, kinh phí hạn hẹp dẫn đến thiếu trường, thiếu phòng học. Việc xóa điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục là đúng. Tuy nhiên các trường sẽ phải thận trọng trong từng trường hợp cụ thể để đảm bảo học sinh không phải bỏ học. 

>> Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa IX: Nêu lên nhiều yếu kém, khó khăn

Sau giải trình của Giám đốc Sở GD-ĐT, đại biểu Nguyễn Thanh Thuyên chất vấn: Việc thu số tiền rất lớn so với học phí diễn ra từ nhiều năm nay. Đây là sự lạm quyền, bởi bản chất xã hội hóa là tự nguyện, nhưng các trường đặt ra mỗi học sinh đóng 200 hoặc 300 ngàn đồng là phụ huynh không thể không đóng. Điều đó Sở GD-ĐT có biết không, giải pháp thế nào để khắc phục? Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT có giải pháp gì để kiểm soát bạo hành trẻ em ở các lớp nhóm, mầm non tư thục? 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuyên chất vấn về tình trạng lạm thu trong trường học

Đại biểu Nguyễn Hồng Trà đặt vấn đề: Tình trạng quá tải mầm non không mới và tại sao tồn tại kéo dài, ai chịu trách nhiệm việc này? 

Những nội dung đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng giải trình: Trong điều kiện ngân sách như hiện nay, việc xã hội hóa là điều kiện cần thiết. Hiện tượng hiệu trưởng lạm quyền là có, nhưng đã xử lý. Trách nhiệm của lãnh đạo trong việc thực hiện chỉ đạo của ngành GD-ĐT, của địa phương là căn bệnh trầm kha, nó nặng hay nhẹ thôi. 

“BẢN THÂN TÔI CŨNG CHƯA THẤY HẾT”

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng giải thích thêm về vấn đề xã hội hóa và lạm thu: Nếu thu để phục vụ học sinh thì phụ huynh không ca thán. Ngành GD-ĐT kiểm tra liên tục, nhưng cần có phụ huynh. Phụ huynh phải tham gia góp ý cho nhà trường và kết hợp giải quyết. Vấn đề đại biểu đặt ra là chính xác nhưng có phụ huynh nào xin làm hội trưởng hội cha mẹ học sinh để kiểm soát việc này không? Chúng tôi rất hoan nghênh và xử lý ngay nếu phát hiện thu trái quy định. 

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh

Về việc kiểm soát bạo hành trẻ em trong các lớp nhóm, Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời: Vừa qua, các phương tiện truyền thông đăng tải bạo hành trẻ em ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh, là người trong ngành tôi thật sự rất đau lòng.  

“Thiếu giáo viên là bài ca muôn thuở, trách nhiệm của chúng tôi, chúng tôi không chối bỏ. Theo quy định cấp tiểu học không thu học phí, sắp tới mầm non cũng không thu học phí. Biên chế “đóng băng”, công việc giáo viên mầm non nhiều nhưng lương lại thấp, nên sẽ còn thiếu nữa” - Giám đốc Sở GD-ĐT vừa giải trình vừa dự báo. 

Đại biểu Nguyễn Hồng Trà tiếp tục truy vấn: “Có phải chúng ta chưa làm tốt công tác dự báo, chưa làm tốt công tác tham mưu?”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng trả lời: “Tôi đồng ý dự báo kém, kém thật. Bản thân tôi cũng chưa thấy hết. Nguồn giáo viên Trường cao đẳng sư phạm của tỉnh giao 200 chỉ tiêu nhưng tuyển chỉ được 100. Bởi giáo viên mầm non lương thấp, việc cao, vừa cực, lại không đảm bảo an toàn. Nếu học sinh lỡ té trầy xước, hóc ăn... thì trách nhiệm giáo viên rất nặng”.

NƯỚC GIẾNG ĐUN SÔI, CÓ AI DÁM UỐNG THỬ?  

Sau khi Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Song Đoàn giải trình 5 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường bằng văn bản tại nghị trường, các đại biểu liên tiếp đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai. 

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Song Đoàn trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh

Phó giám đốc Nguyễn Song Đoàn khẳng định: “Tình trạng sạt lở bờ sông là do khai thác cát. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã ngừng cấp phép nhưng chúng ta đang cho phép một doanh nghiệp khai thác. Họ đưa ống hút vào bờ hút lúc 3, 4 giờ, chúng tôi kiểm tra 3, 4 lần nhưng vẫn chưa phát hiện được. Họ cứ làm lén lúc nửa đêm nên rất khó. Đối với việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau quy hoạch 3 loại rừng, chúng tôi xin nhận trách nhiệm”.

Đại biểu Lê Anh Tuấn nêu vấn đề khung giá đo đạc không thống nhất và đồng bộ. Các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không có quyền đo đạc nhưng tại sao vẫn làm? Các khu công nghiệp đang thải chất rắn, khói rất nhiều..., làm thế nào kiểm soát được xả thải trong các khu công nghiệp? 

Đại biểu Nguyễn Hồng Trà thẳng thắn: Người dân 5 xã của huyện Lộc Ninh đang bị hạn chế quyền sở hữu đất đai do không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Tài nguyên - Môi trường có chịu trách nhiệm không? Mục tiêu đến cuối năm 2017, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đạt 80%, nhưng không đạt, trách nhiệm của ngành thế nào? 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuyên bức xúc trước thực trạng cây xăng Hồng Hạnh gây ô nhiễm nguồn nước rất lâu nhưng chưa được khắc phục triệt để: “Sở Tài nguyên - Môi trường bảo nước đạt tiêu chuẩn uống, cơ quan công an bảo đừng uống vì không đảm bảo! Người dân múc nước giếng lên đun sôi mời quý vị uống thử, có ai dám uống không?”. 

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Song Đoàn giải trình: “Việc khai thác cát trên sông Đồng Nai có nhiều sai phạm, sai đến đâu chúng tôi xử lý đến đó, rất nhiều lần nhưng Công ty Trường Phát vẫn vi phạm. Lệ phí thu tiền đo đạc làm theo pháp luật. Giá đo đạc không thống nhất vì định mức vị trí đo đạc khác nhau nên giá khác nhau. Những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xả thải ban đêm chỉ nhờ quần chúng báo cho sở hoặc các cơ quan chức năng để cùng nhau giám sát, xử lý. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cố gắng thực hiện 80% nhưng hiện mới chỉ được 40%. Trách nhiệm này chúng tôi nhận”.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang tiếp tục chất vấn: “Tôi chưa đồng tình việc trả lời của lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, bởi vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Các cơ quan đã vào cuộc rất nhiều nhưng sở vẫn cho là đạt chuẩn, chức năng ngành như thế nào, giải pháp ra sao để người dân được sống trong môi trường sạch? Tại sao trong Khu công nghiệp Minh Hưng đã có hệ thống quan trắc tự động 24/24, nhưng người dân khẳng định việc xả thải là có thực bằng hình ảnh. Vậy thì hệ thống quan trắc tự động truyền số liệu như thế nào?”.

LÃNH ĐẠO UBND TỈNH LÀM RÕ NHỮNG VẤN ĐỀ “NÓNG”

Để làm rõ những vấn đề chất vấn của đại biểu, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã mời Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đăng đàn trực tiếp giải trình và đưa ra giải pháp khắc phục. Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đã làm rõ từng vấn đề các đại biểu quan tâm. 

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại kỳ họp

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho biết: Bình Phước đang xây dựng nông thôn mới, rất cần vật liệu xây dựng. Tài nguyên cát của Bình Phước không nhiều. Cát trên sông Đồng Nai lại rất ít nên phải nhập từ Đồng Nai. Tỉnh đang cho phép khai thác cát thăm dò. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi quy hoạch 3 loại rừng rất khó khăn do không có kinh phí đo đạc chính quy. UBND tỉnh đang xem xét từng vấn đề cụ thể để cấp giấy chứng nhận cho người dân trong thời gian sắp tới. 

Buổi chiều, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến việc thực thi các chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Sau trả lời chất vấn của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng, các đại biểu tiếp tục thảo luận những vấn đề liên quan đến chất lượng các công trình giao thông, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp

Trước khi kết thúc ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã có bài phát biểu làm rõ những nội dung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 và các giải pháp đề ra trong năm 2018. 

Ngày 8-12, kỳ họp sẽ biểu quyết thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp và tiến hành phiên bế mạc.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Phước

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2075 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2451 | lượt tải:599

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20620 | lượt tải:4464

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21223 | lượt tải:97579

số 16 /TB-QHTASXH

số 16 /TB-QHTASXH

Thời gian đăng: 10/05/2021

lượt xem: 19798 | lượt tải:381
Thống kê
  • Đang truy cập531
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm515
  • Hôm nay67,374
  • Tháng hiện tại276,132
  • Tổng lượt truy cập26,454,519
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây