Lễ kỷ niệm vinh dự được đón tiếp: Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Phước; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự lễ kỷ niệm
Lộc Ninh - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng
Trong diễn văn ôn lại sự kiện tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Trường Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh nhấn mạnh: Đúng vào ngày này cách đây 50 năm, ngày 07/4/1972, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Lộc Ninh vô cùng phấn khởi đón chào một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng, đó là ngày thắng lợi mở màn của Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Tiết mục văn nghệ tái hiện chiến thắng giải phóng huyện Lộc Ninh năm 1972.
Vào 05 giờ 30 phút ngày 05/4/1972, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng tấn công đánh địch quyết tâm giải phóng huyện Lộc Ninh. Bộ đội chủ lực vây hãm, tấn công các căn cứ điểm quân sự của địch trên toàn huyện Lộc Ninh. Đại đội 31 cùng du kích đánh chiếm đồn Bảo An làng 2, Lộc Khánh, Lộc Bình, Lộc Tấn. Nhân dân Lộc Ninh đồng loạt đứng lên tước súng phòng vệ dân sự, truy tìm, kêu gọi binh lính Mỹ - ngụy đầu hàng. Đúng 17 giờ ngày 07/4/1972, huyện Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện này đã tạo nên sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên trên toàn mặt trận, góp phần tăng thêm thế và lực trên các lĩnh vực đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh trở thành Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nơi đặt căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và trụ sở làm việc của các phái đoàn quân sự 4 bên, là nơi tiếp khách Quốc tế theo tinh thần của Hiệp định Pari ký kết ngày 27/01/1973. Và cũng chính tại nơi đây - Sân bay Quân sự Lộc Ninh đã diễn ra sự kiện xúc động đón khoảng 3.000 người con ưu tú của Tổ quốc từ các nhà tù của chế độ Mỹ - ngụy trở về. Các đại biểu dự lễ kỷ niệm
Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Lộc Ninh vinh dự được chọn đặt Sở Chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ đây đã truyền đi những quyết định quan trọng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy chiến dịch trong những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sắp kết thúc. Từ chiến thắng 07/4/1972 giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh, đến toàn thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là một sự phát triển liên tục của quá trình cách mạng không ngừng, thể hiện sinh động về tính đúng đắn của đường lối đấu tranh trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao của Đảng ta. Trung tướng Nguyễn Đức Xê - nguyên Giám đốc Học viện Lục quân, Trưởng ban Liên lạc Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng phát biểu hồi tưởng sự kiện Chiến dịch Nguyễn Huệ Giải phóng huyện Lộc Ninh năm 1972
Biến khát vọng Lộc Ninh phồn vinh thành hiện thực
Với truyền thống cách mạng kiên trung, bất khuất, cùng với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lộc Ninh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành quả phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Năm 2021 là năm khó khăn, do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, thu ngân sách đạt trên 573,4 tỷ đồng, tăng 96,7 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người, tăng gấp 3,63 lần so với năm 1991. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy xúc động cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Ninh vinh dự được chọn làm căn cứ địa cách mạng. Thực tế cũng chứng tỏ, Lộc Ninh rất xứng đáng với niềm tin cậy ấy. Con người và thiên nhiên Lộc Ninh, Bình Phước đã là nơi che chở, bảo vệ và thực sự là an toàn khu của cách mạng miền Nam.
Để tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng 7/4, xây dựng huyện Lộc Ninh thực sự trở thành một huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường đề nghị: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, du lịch, năng lượng tái tạo; sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai; vượt qua các khó khăn thách thức để phát triển nhanh và bền vững. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Lộc Ninh
Cùng với phát triển kinh tế, Lộc Ninh cần quan tâm chăm lo bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của các dân tộc; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng huyện, xã, thị trấn thành khu vực phòng thủ vững chắc… Biến khát vọng Lộc Ninh phồn vinh thành hiện thực; trở thành huyện biên giới phát triển khá, phát triển toàn diện và bền vững, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.Lộc Ninh cần thực hiện thành công 3 chương trình đột phá
Vui mừng trước sự đổi thay, phát triển của Lộc Ninh hôm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Đến thăm Lộc Ninh hôm nay, chúng ta chứng kiến sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ, một sức sống mới, khí thế mới của một huyện vùng biên giới. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao trong nhiều năm liền. Quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, chất lượng văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy và nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (còn 1,75%). Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, tình hình biên giới ổn định, hoạt động đối ngoại hiệu quả, tích cực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng, với truyền thống cách mạng, trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, phát huy tiềm năng và lợi thế, bằng tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bứt phá vươn lên
Những thành tựu to lớn và đóng góp quan trọng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Lộc Ninh trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt 50 năm qua là rất đáng tự hào. Chúng ta trân trọng, biết ơn công lao và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh và biết bao người con ưu tú, kiên trung, bất khuất của quê hương Lộc Ninh và của mọi miền Tổ quốc đã cống hiến, hy sinh để làm rạng rỡ truyền thống quê hương cách mạng.
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, trong thời gian tới, huyện Lộc Ninh đứng trước những thời cơ, có những điều kiện thuận lợi mới cần được tận dụng tốt, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra để vươn lên mạnh mẽ. Phó Thủ tướng thường trực đề nghị huyện Lộc Ninh tiếp tục giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động. Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trao quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh
Lộc Ninh cần triển khai hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.
Lộc Ninh cần khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển; thực hiện thành công 3 chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu và du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới. Và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận 6 xã, thị trấn An toàn khu và huyện Lộc Ninh là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đề nghị huyện Lộc Ninh làm tốt công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để Lộc Ninh là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ, trở thành điểm đến hấp dẫn, lôi cuốn trong nước. Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn lực phát triển là con người, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.
Tại buổi lễ, huyện Lộc Ninh đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì của Chủ tịch nước; đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận 6 xã, thị trấn An toàn khu và huyện Lộc Ninh là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ./.