Dự lễ kỷ niệm có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nguyễn Quốc Bình; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện Lộc Ninh, Bù Đốp qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng và đông đảo nhân dân trong huyện. Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm
Đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Lê Quang Oanh khẳng định: Cách đây 20 năm, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, đó là ngày Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 17-NĐ/CP ngày 20-2-2003 về việc thành lập huyện Bù Đốp. Sự kiện đặc biệt quan trọng này đã tạo ra cơ hội và tiềm năng phát triển mới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, mở ra khả năng thu hút nguồn lực; khai thác tiềm năng, thế mạnh; quản lý tốt hơn biên cương lãnh thổ của một huyện vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.Những ngày đầu thành lập huyện, với xuất phát điểm thấp, tình hình kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn; thu, chi ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp từ cấp trên; kết cấu hạ tầng còn lạc hậu; trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học còn thiếu và tạm bợ; tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng và một bộ phận yếu về chất lượng. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Lê Quang Oanh đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm
Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đốp đã nỗ lực không ngừng để vươn lên. Nếu năm 2023, nông nghiệp chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện (86,19%); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ (chiếm 2,32%); thương mại - dịch vụ phát triển chậm và chưa đồng bộ (chiếm 12,5%); hạ tầng kinh tế kỹ thuật nghèo nàn, kém phát triển; thu ngân sách địa phương năm 2003 đạt 22,50 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2022, tỷ trọng nông nghiệp còn 56,12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 16,03% (tăng 14,72% so với năm 2003); thương mại - dịch vụ 24,85% (tăng 12,35% so với năm 2003). Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đặc biệt năm 2022, đạt 573,658tỷ đồng, tăng gấp 25,49 lần so với năm đầu thành lập huyện. 100% các xã trên địa bàn huyện đã về đích nông thôn mới, phấn đấu năm 2023 đưa thị trấn Thanh Bình đạt chuẩn đô thị văn minh... Các đồng chí lãnh đạo dự lễ kỷ niệm
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đặc biệt quan tâm, nâng cao về chất lượng dạy và học cũng như đầu tư cơ sở vật chất. Năm 2003, toàn huyện có 16 trường với 203 phòng học; trong đó có 38 phòng học tạm, chưa có trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện đã có 24 trường học, trong đó có 12/24 trường đạt chuẩn quốc gia và không còn phòng học tạm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia được triển khai sâu rộng; cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư nâng cấp mở rộng. Năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 26,57% tổng số hộ dân trên địa bàn, đến nay giảm còn 2,32%... Tại lễ kỷ niệm, thị trấn Thanh Bình đã đón bằng công nhận “đạt chuẩn đô thị văn minh” năm 2023
UBND tỉnh tặng bằng khen 10 tập thể và 20 cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển huyện Bù Đốp giai đoạn 2003-2023
Thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Lê Quang Oanh kêu gọi: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân huyện Bù Đốp đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí, đem hết tinh thần, sức lực và trí tuệ, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, huyện, thị xã, thành bạn quyết tâm đưa huyện Bù Đốp ngày càng phát triển, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.