Gỡ khó trong thực hiện Đề án 999 tại Sở NN&PTNT
Mai Ly (Báo Bình Phước)
2018-08-23T21:02:52-04:00
2018-08-23T21:02:52-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/news/Chinh-tri/go-kho-trong-thuc-hien-de-an-999-tai-so-nn-ptnt-2010.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ năm - 23/08/2018 20:53
Ngày 23-8, các đồng chí: Lê Văn Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã làm việc với Ban giám đốc, trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng năm 2018 và tiến độ triển khai Đề án 999 của Tỉnh ủy.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
8 tháng đầu năm, các nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch do UBND tỉnh giao. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,13% so cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ các hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,37% kế hoạch. Hiện 9 xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2018 bình quân đạt 15,22 tiêu chí/xã và đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại để cuối năm nay cả 9 xã đều đạt 19 tiêu chí. Sở còn tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, quản lý dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phát hiện và phòng trị bệnh kịp thời đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, cao su, tiêu.
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Ánh Tuyết kiến nghị: Để kịp thời hỗ trợ một số hộ trồng điều theo Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 31-1-2018, đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho các huyện, thị xã sử dụng kinh phí dự phòng của năm 2017 và 2018 chi hỗ trợ cho nông dân; thống nhất giao các huyện, thị xã chủ động lựa chọn phương pháp hỗ trợ phù hợp từng khu vực.
Gỡ khó trong thực hiện Đề án 999
Về tiến độ thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy, sở chuyển giao nguyên trạng các trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y về UBND cấp huyện, thị để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp và đã hoạt động hiệu quả. Sở cũng đã xây dựng đề án sắp xếp kiện toàn: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy lợi, giải thể Chi cục Phát triển nông thôn, giải thể Trung tâm Điều tra quy hoạch NN&PTNT. Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất các chi cục chăn nuôi - thú y; trồng trọt - bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, phòng thủy sản và 2 trung tâm khuyến nông, thủy sản.
Ban giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy 4 nội dung: Thuận chủ trương cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2018; xem xét, bổ sung cho sở thêm 1 phòng chuyên môn; không chuyển chức năng quản lý nhà nước từ Chi cục Phát triển nông thôn về Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà giao về phòng chuyên môn của sở; cho người lao động hợp đồng không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khi thực hiện sắp xếp, dôi dư.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Châu yêu cầu: Sở NN&PTNT phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, đồng bộ phát triển ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể quy hoạch rừng, cây lâu năm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành cần áp dụng hiệu quả các giải pháp để tăng chất lượng giống điều, nâng cao năng suất vườn điều. Phối hợp Hội Nông dân tỉnh hình thành chợ đầu mối giới thiệu nông sản trên địa bàn.
Riêng việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Đề án 999 của Tỉnh ủy, đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong quá trình thực hiện, đối với cán bộ dôi dư, có trình độ, năng lực thì lập danh sách chuyển cho tỉnh để có kế hoạch sắp xếp phù hợp ở các ngành, huyện, thị xã còn thiếu nhân lực, không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chuyên môn của ngành được giao.
Tác giả: Mai Ly (Báo Bình Phước)