Bình Phước - sức trẻ mới, không gian phát triển đầy tiềm năng
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 14/12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh, tỉnh Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược quan trọng trên hành lang kinh tế mới, khi kết nối kinh tế giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây nguyên, tiểu vùng Mê Kông và ASEAN.
Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” với nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới; kết nối kinh tế, văn hóa, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mêkông và ASEAN. Đây cũng là vùng đất đa sắc về văn hóa, giàu truyền thống cách mạng với những “địa chỉ đỏ” đã đi vào lịch sử như: Di tích Phú Riềng Đỏ - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) ở huyện Lộc Ninh; điểm cuối đường Hồ Chí Minh, cùng nhiều địa danh lịch sử như sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long... gắn với những chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước và cả nước. Chính từ truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, cùng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm với khát vọng phát triển, tỉnh Bình Phước đã biến tiềm năng thành động lực phát triển.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước ngày 14/12
Minh chứng cho điều này là chỉ sau hơn 27 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo, khó khăn, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Phước năm 2024 tăng gấp 92 lần so với năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 27 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/năm; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế đến năm 2024 đạt gần 4,5 tỷ USD; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ; tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ hơn 41%.
Nhắc lại một số mục tiêu, nhiệm vụ Bộ Chính trị đặt ra cho khu vực Đông Nam Bộ tại Nghị quyết 24, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Bình Phước được xác định là hướng mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; phát triển kinh tế cửa khẩu, logistic; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Quy hoạch tỉnh Bình Phước là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị; với tầm nhìn chiến lược, tổ chức không gian phát triển dựa trên tiềm năng tài nguyên, vị thế chiến lược, giá trị văn hóa, con người. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng liên vùng, xuyên Á sẽ kết nối không gian kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ và Tiểu vùng Mêkông.
“Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được nhận diện, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định, đó là tư duy đổi mới, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền; sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tổ chức thực hiện quy hoạch để hiện thực hóa khát vọng của tỉnh” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý.
Nhận định Bình Phước là sức trẻ mới, không gian phát triển mới, là nàng tiên xinh đẹp nhưng còn ngủ quên, cần được “đánh thức”, Phó Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm để Bình Phước tạo đột phá trong kỷ nguyên mới, đó là:
Tỉnh cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng, vốn là “điểm nghẽn” lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để chủ động đón làn sóng lan tỏa phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tập trung hoàn thành tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa động thổ và cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đẩy mạnh kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển, gồm: Phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng); phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh) và trục trung tâm là Đồng Phú - Phước Long. Cùng với đó cần tập trung phát triển hạ tầng số.
Bình Phước cần có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư có công nghệ giá trị gia tăng cao, có lợi thế như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, chế biến nông sản… Phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp xanh, tuần hoàn. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện phân vùng đầu tư theo tiểu vùng sinh thái để vừa tận dụng lợi thế sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, đô thị của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương vừa thực hiện tốt chức năng sinh thái của vùng đặc biệt là bảo vệ nguồn nước.
Bình Phước cần tập trung phát triển hệ thống đô thị tạo động lực lan tỏa cho phát triển kinh tế, đặc biệt là tại khu vực tam giác phát triển gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú đã được xác định là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Chú trọng mô hình phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD) đang được định hình. Thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn xanh, thông minh, hài hòa với nông thôn bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030 cho lãnh đạo tỉnh Bình Phước
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bình Phước cần quan tâm một số lĩnh vực về phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng xã hội theo hướng đa năng; ưu tiên nguồn lực nhà nước, khuyến khích phát triển các dịch vụ xã hội, nhất là giáo dục, văn hóa và chăm sóc sức khỏe; quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo dịch vụ xã hội đô thị và hệ thống an sinh chất lượng cao cho mọi người dân để tạo nên sức hút nhân lực chất lượng cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, minh chứng là các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư trong lễ công bố quy hoạch, Bình Phước sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, động lực mới và là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Phước bình quân đạt 9%
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GRDP; GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Phước phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.
Quy hoạch xác định các đột phá phát triển gồm: phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng; phát triển hạ tầng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch.