Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Kiểm soát dịch bệnh COVID-19
Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không chỉ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
Để có được những thành công trong phòng chống dịch COVID-19 không thể không nói đến sự đóng góp công sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của các “chiến sỹ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Trong cuộc chiến chống COVID-19, việc tham mưu để có những quyết sách đúng đắn đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, Sở Y tế xác định bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh.
Do đó, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện những biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn các bệnh viện về điều trị, phân luồng, phân tuyến, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Đặc biệt, Sở đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tiến hành kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí an toàn phòng chống dịch, kịp thời chấn chỉnh khắc phục những vấn đề tồn tại, tổ chức rút kinh nghiệm về phân luồng, sàng lọc, cách ly, đảm bảo tốt nhất phòng chống dịch.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh, 4 tháng qua không ghi nhận ca mắc COVID -19 tại cộng đồng.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Hà Nội vẫn luôn hiện hữu, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay. Vì vậy, thành phố đặt việc phòng, chống dịch COVID-19 ở mức ưu tiên cao nhất nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân và bảo đảm an toàn cho tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.
Với thành công trong phòng chống dịch COVID-19, từ những bài học, kinh nghiệm vượt qua khó khăn thử thách, ngành y tế đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, thực hiện chỉ tiêu y tế giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; thực hiện kế hoạch của thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố; tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, chủ động, sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch; chủ động phòng, chống các dịch bệnh khác; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...
Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố Hà Nội đề xuất với Bộ Y tế các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở và khối dự phòng; đề xuất với Chính phủ, Quốc hội có chính sách tiền lương phù hợp cho cán bộ y tế, đặc biệt là khối y tế dự phòng và y tế cơ sở; Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét việc phân bổ kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đảm bảo với chi phí thực tế của các đơn vị; xem xét thẩm quyền của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc phân bổ kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho các đơn vị của Trung ương, bộ, ngành trên địa bàn...
Hiện thực hóa các mục tiêu khó
Đứng trong top đầu các sở ngành đã thực hiện tốt chức năng được giao, 5 năm qua, ngành giao thông vận tải Thủ đô đã góp phần tích cực trong việc đưa nhiều công trình giao thông lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong 5 năm qua, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều công trình giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Đến hết năm 2020, thành phố dự kiến hoàn thành 148/214 dự án giao thông, tăng thêm khoảng 498 km đường giao thông; hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt cầu, đường, nút giao trục hướng tâm. Những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã cơ bản được định hình.
Thành phố đang tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong những năm tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các địa phương trong vùng Thủ đô.
Đó là các tuyến đường hướng tâm và các đường vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5; các cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi, cầu Đuống 2…; đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai…
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tập trung hoàn thành đầu tư mạng lưới giao thông của 5 huyện theo đề án lên quận; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội); phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm các tuyến đường sắt đô thị khác...
Nhiều giải pháp đã được đề xuất để hiện thực hóa các mục tiêu trên; trong đó, huy động nguồn lực đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng. Nguồn lực phải được sử dụng hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên… của những khu vực đã được đầu tư, tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình giao thông khác.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga đường sắt đô thị, tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành sau này.
Thành phố tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế, chính sách để làm tốt giải phóng mặt bằng; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư...
Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện cho biết sẽ cụ thể hóa chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, mục tiêu hướng tới phải đạt chỉ tiêu ở mức cao và chỉ tiêu phải đảm bảo tính khả thi. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, ngành giao thông vận tải phấn đấu đạt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng từ 30-35%.
Sở Giao thông Vận tải đã phân kỳ đầu tư; trong đó, năm 2021 phấn đấu đạt 17-18%. Để đạt chỉ tiêu này, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho Ủy ban Nhân dân thành phố phân kỳ để đầu tư các tuyến xe buýt. Vừa qua, thành phố Hà Nội đã duyệt 3 tuyến buýt của năm 2020.
Năm 2021 thành phố tiếp tục đầu tư thêm khoảng 25 tuyến buýt để mở rộng vùng phục vụ của xe buýt. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai sớm tuyến đường sắt 2A Cát Linh-Hà Đông.
Liên quan đến chỉ tiêu 11% đất dành cho giao thông, theo ông Vũ Văn Viện, đây là một chỉ tiêu khó. Nếu tính bình quân thành phố chỉ đạt được khoảng 10,56%. Nhưng qua rà soát cho thấy 78/91 công trình đang đầu tư có thể hoàn thành trong năm 2021. Danh mục các công trình này chủ yếu do các chủ đầu tư ở các quận huyện triển khai.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp “đồng hành” với các chủ đầu tư, quận huyện để giải quyết khó khăn, vướng mắc góp phần sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng trong thời gian tới góp phần nâng cao năng lực giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô./.
Nguồn tin: Tuyết Mai / (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn