Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5/9/2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” và Kế hoạch số 39-KH/TU, ngày 13/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; từng bước phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế thông tin cơ sở hiện có; tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thông tin; đa dạng hóa việc tiếp cận thông tin của người dân; đội ngũ cán bộ, công chức làm thông tin cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn để đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng.TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆNNgay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5/9/2016 về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” (Chỉ thị số 07-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/TU, ngày 13/10/2016 về “thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, nhất là người đứng đầu có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở, chú trọng đối với các địa bàn còn nhiều khó khăn, thực hiện chưa tốt; rà soát, củng cố tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở.Để chỉ đạo, định hướng các hoạt động thông tin cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh ban hành hơn 400 văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện đối với các cơ quan báo chí của tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh, cơ quan chủ quản trang thông tin điện tử và hệ thống thông tin cơ sở triển khai công tác thông tin tuyên truyền theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Thông tin cơ sở), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành. Lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước cùng Công ty TNHH MTV Viễn thông số VTC chi nhánh phía Nam trao hệ thống truyền thanh thông minh cho lãnh đạo xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước
Các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh liên quan đến công tác thông tin cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thông tin cơ sở tại địa phương, đơn vị mình.PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊHiện trên địa bàn tỉnh, số lượng báo cáo viên Trung ương đến cấp huyện là 260 đồng chí (4 báo cáo viên Trung ương, 36 báo cáo viên cấp tỉnh, 220 báo cáo viên cấp huyện); đội ngũ tuyên truyền viên toàn tỉnh là 1.433 đồng chí. Từ năm 2016 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã duy trì tổ chức được khoảng 50 hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh cho trên 35.000 lượt báo cáo viên cấp tỉnh, huyện tham gia; các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hơn 500 hội nghị với trên 75.000 lượt cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham dự. Ngoài ra, các cấp ủy còn duy trì hoạt động thông tin thời sự, thông tin chuyên đề định kỳ hàng quý cho cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động; các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt đoàn thể, dân cư nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, kiến thức pháp luật, thông tin chuyên ngành trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, giới thiệu việc làm…
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 9 lớp bồi dưỡng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho 2.700 lượt cán bộ sở, ban, ngành, cán bộ cơ sở, trường thôn, ấp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ này.Hàng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức được khoảng 500 buổi chiều bóng lưu động, hơn 200 buổi tuyên truyền lưu động; Đoàn ca múa nhạc tổng hợp dân tộc tỉnh tổ chức biểu diễn 90 buổi; Thư viện tỉnh phục vụ bạn đọc bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên 4 loại hình báo chí với nội dung đa dạng, phản ánh đầy đủ hoạt động trên các lĩnh vực đời sống, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh và cả nước. Mỗi năm, có khoảng 30.000 tin, bài, phóng sự được đăng, phát trên các hạ tầng số. Mỗi năm phát sóng 2.920 chương trình thời sự, bản tin truyền hình, với tổng số 10.950 tin, bài; 3.285 chương trình, bản tin phát thanh, với tổng số 32.850 tin, bài, phóng sự. Chuyên mục Góc nhìn thẳng phát sóng 52 kỳ/năm/phát thanh và 52 kỳ/năm/truyền hình; 156 kỳ/năm/báo in và 156 kỳ/năm/báo điện tử. Chuyên mục Đại đoàn kết toàn dân tộc có 12 kỳ phát sóng/năm với 12 chuyên đề. Chuyên mục “Diễn đàn cư tri” có 26 kỳ phát sóng/năm với 26 chuyên đề. Chuyên mục “Đưa pháp luật về thôn bản” có 24 chương trình phát sóng bằng 02 thứ tiếng (Stiêng và Khmer) với 194 tin, bài. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố với cấp ủy, chính quyền địa phương trong cung cấp thông tin, quản lý nội dung thông tin và tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền ở cơ sở được thực hiện có hiệu quả theo kế hoạch, theo chuyên đề và theo chỉ đạo của các ngành chuyên môn liên quan. Trong 5 năm qua, 11 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện phát trên truyền hình địa phương được 14.419 chương trình thời sự tổng hợp, 35.981 tin bài viết trên các chuyên mục, cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước 4.603 tin bài. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các Đài truyền thanh cơ sở tăng cường lồng ghép bản tin cập nhật các chỉ đạo, tình hình dịch Covid-19 trong các chương trình tiếp, phát sóng hằng ngày, ngoài ra phát thêm 2 lần vào khung giờ 9h sáng và 15h chiều.ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI TRONG CÔNG TÁC THÔNG TIN CƠ SỞĐể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung, công tác thông tin cơ sở nói riêng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 18/5/2021 về Chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước; UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể nhằm hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân.Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các Đài truyền thanh cơ sở. Đến nay, 111/111 xã, phường, thị trấn của tỉnh có hệ thống đài truyền thanh FM và ứng dụng công nghệ, trong đó đã đầu tư, thay thế mới 22/111 Đài Truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông với 190 cụm, 414 loa.
Cụm loa của Đài truyền thanh cơ sở là cánh tay nối dài của hệ thống đài phát thanh từ Trung ương đến cơ sở, là con đường ngắn nhất để đưa thông tin đến người dân; đóng góp tích cực trong công tác truyền thông, tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của một bộ phận nhân dân
Trong giai đoạn 2022-2023, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư Đài Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông cho các xã còn lại trên địa bàn tỉnh, sẽ lắp đặt 1.484 cụm, 3.423 loa cho 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. |
Thi công lắp đặt loa truyền thanh thông minh trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. |
Theo đánh giá của các địa phương, qua thời gian sử dụng, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông cho thấy đây là hệ thống thiết bị thông minh, hiện đại, ưu việt, dễ sử dụng, không giới hạn không gian, thời gian, có thể chủ động phát sóng các tin, bài liên quan tới các nội dung về thông tin cơ sở bằng cách truy cập hệ thống phần mềm trên máy tính hoặc điện thoại, ipad có kết nối internet. Hệ thống thiết bị có thể tiếp sóng trực tiếp từ Đài cấp trên, cho phép điều chỉnh âm lượng, tắt âm thanh cùng lúc cho tất cả các cụm loa hoặc từng cụm loa; cho phép bật chế độ phát sóng các chương trình phát thanh theo khung giờ cố định; hoạt động được đồng thời cả thiết bị mới thử nghiệm và thiết bị cũ của địa phương vì đã được tích hợp - số hóa. Tần số phát ổn định, chất lượng âm thanh tại các cụm loa tốt, khắc phục được các vấn đề như chèn sóng, nhiễu sóng, âm thanh rè, hú so với hệ thống đài truyền thanh cũ.
XÂY DỰNG CÁC KÊNH, CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VÀ NÂNG CAO CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA – THÔNG TIN CƠ SỞ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước hiện có 109 đầu chương trình phát thanh (67 đầu chương trình thời sự - khoa giáo - chính luận; 42 đầu chương trình văn nghệ, giải trí), 93 đầu chương trình truyền hình (61 đầu chương trình thời sự - chính luận - khoa giáo, 32 đầu chương trình văn nghệ, giải trí), báo in có 24 chuyên mục, báo điện tử có 72 chuyên mục. Một số chương trình, chuyên mục tiêu biểu như: Thời sự, Góc nhìn thẳng, Đại đoàn kết toàn dân tộc, Diễn đàn cử tri, Đưa pháp luật về thôn bản... được quan tâm đầu tư về nội dung, hình ảnh, thu hút được sự quan tâm của độc giả. Trong công tác kỹ thuật, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đang phát triển hạ tầng số; nâng cao các ứng dụng phần mềm, tính tiện ích và đơn giản, thuận lợi cho người sử dụng.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh thông tin khác nhau, như website, fanpage, youtube, zalo, tiktok… Trong đó, toàn tỉnh đã phát triển được gần 600 trang, nhóm cộng đồng, mỗi năm đăng tải, chia sẻ hàng trăm, ngàn tin, bài, hình ảnh tích cực, thu hút được sự quan tâm, đón nhận của các tầng lớp nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thường xuyên rà soát, củng cố, hoàn thiện kịp thời hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đạt các tiêu chí quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; khai thác, sử dụng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở, văn hóa, lịch sử, khoa học và môi trường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
|
Các kỹ thuật viên lắp đặt thiết bị hệ thống truyền thanh thông minh tại Đài TT&TH thành phố Đồng Xoài |
Ở cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh vẫn duy trì đội tuyên truyền và chiếu phim lưu động để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về cơ sở, nhất là các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc.Ở cấp huyện, 09/11 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao chuyên biệt; 11/11 Thư viện trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thị xã, thành phố (chỉ còn Thư viện huyện Lộc Ninh chưa có trụ sở riêng). Về hệ thống cổ động trực quan, mỗi huyện có từ 02-04 cụm cổ động tấm lớn, hàng ngàn bảng tuyên truyền trên các tuyến đường; hiện các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng được hơn 120 tuyến đường cột cờ gắn với điểm treo băng rôn, với tổng số cột gần 5.200. Ở cấp xã, 111/111 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, trong đó 13 Trung tâm văn hóa thể thao nằm ngoài trụ sở xã; 7 Trung tâm văn hóa cộng đồng nằm ngoài trụ sở xã; 88 xã tận dụng Hội trường làm Trung tâm văn hóa; 03 xã chưa có Trung tâm, hội trường; 69 xã thành lập Ban Chủ nhiệm; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động thường xuyên theo mô hình đa dịch vụ; 100% xã, thị trấn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% xã, thị trấn có phòng đọc sách hoặc thư viện xã; 100% xóm, tổ dân phố có tủ sách. Về hệ thống cổ động trực quan, các xã có từ 2-3 cụm cổ động tấm lớn, hàng chục bảng tuyên truyền trên các tuyến đường.
Nhìn chung, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư gắn với việc thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 39-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; từng bước phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế thông tin cơ sở hiện có; tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thông tin; đa dạng hóa việc tiếp cận thông tin của người dân; đội ngũ cán bộ, công chức làm thông tin cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn để đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng.
Các trang thiết bị như bàn, ghế, âm thanh, ánh sáng, xe lưu động… tại các thiết chế văn hóa cấp huyện, cấp xã được trang bị đầy đủ. Hội trường, sân thi đấu thể thao, sân tập thể dục được xây dựng đáp ứng nhu cầu hoạt động. Hàng năm, các thiết chế văn hóa là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân vào dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương; một số xã đã chủ động xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Việc cung cấp thông tin tuyên truyền kịp thời, phù hợp trên hệ thống thông tin cơ sở thời gian qua đã góp phần phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Nhờ đó, nhận thức của các cấp, các ngành ở cơ sở được nâng lên, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, kết nối việc tuyên truyền thông tin giữa khu vực trong toàn tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.