Hưởng ứng “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tích cực huy động trẻ đến tuổi ra lớp, vận động phụ huynh học sinh, hội viên đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, trường học, trồng cây xanh làm đẹp khuôn viên sân trường. Các hoạt động hưởng ứng Tháng Khuyến học, các phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thi đua “dạy tốt, học tốt” được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm; riêng năm 2015, hội khuyến học các cấp đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trao học bổng, vở viết, xe đạp cho trên 4.000 lượt học sinh vượt khó, học giỏi, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và tổng kết năm học hàng năm, Ủy ban nhân tỉnh đã tuyên dương, khen thưởng cho học sinh giỏi, xuất sắc và giáo viên có học sinh đạt giải quốc gia.
Hội khuyến học các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có hội khuyến học; 95,1% thôn, ấp, khu phố có chi hội khuyến học, 147.927 người tham gia hội khuyến học, chiếm 16,3% dân số.
Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Bình Phước lần thứ III (2015 - 2020)
(Nguồn: Báo Bình Phước online)
Các phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”… tiếp tục phát triển và lan rộng. Toàn tỉnh hiện có 43.262 gia đình được công nhận gia đình hiếu học, 84 dòng họ khuyến học, 83 hội đồng hương khuyến học, 321 cơ quan, đơn vị khuyến học.
Năm 2015, các trung tâm học tập cộng đồng đã mở trên 1.000 lớp học cho nhiều lượt đối tượng khác nhau, với nhiều chuyên đề về kinh nghiệm trong sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… giúp người dân có cơ hội được học tập thường xuyên, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chất lượng hội viên chưa cao, chưa thường xuyên sinh hoạt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm học tập cộng đồng còn thiếu thốn.
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành động lực nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, hoàn thiện các trung tâm học tập cộng đồng. Củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt của hội viên Hội Khuyến học các cấp. Xây dựng quỹ khuyến học với nhiều hình thức phong phú. Đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các thầy cô giáo, học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh, sinh viên vượt khó, học tập tốt, nhất là người dân tộc thiểu số…