Sinh hoạt văn hóa công nhân khu nhà trọ ấp 7 xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Ảnh minh họa)
Trình độ văn hóa, chuyên môn, tư tưởng, nếp sống, tác phong lao động của công nhân đã có biến đổi quan trọng. Trước năm 2011, đội ngũ cán bộ và công nhân lao động khu công nghiệp có trình độ đại học chiếm 8,95%, trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 21,56%, còn lại là lao động phổ thông. Cuối năm 2015, cán bộ và công nhân lao động khu công nghiệp có trình độ đại học chiếm 10,68%
(tăng 1,73%), trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 29,98%
(tăng 8,42%); nhiều sáng kiến của công nhân có giá trị cao được áp dụng hàng năm làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Đa số công nhân tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; rèn luyện ý thức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy định trong sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.
Nhu cầu và mức hưởng thụ văn hóa của một bộ phận công nhân được nâng lên và tích cực tham gia vào các hoạt động chung của khu công nghiệp. Hội thao truyền thống CNVC-NLĐ Khu kinh tế tỉnh hàng năm có từ 24 đến 30 đoàn tham gia, với 08 môn thi đấu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện cho công đoàn xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân.
Tuy nhiên, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Trình độ văn hóa, chuyên môn, tư tưởng, nếp sống và tác phong lao động của công nhân còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp có tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhưng mới chỉ tập trung trong những ngày lễ hoặc các sự kiện chính trị. Người công nhân hưởng thụ văn hóa, tinh thần một cách thụ động, chưa phát huy hết khả năng sáng tạo văn hóa. Cuộc sống công nhân bên ngoài doanh nghiệp cũng chưa được chăm lo, gặp rất nhiều thiếu thốn từ nơi ở, điều kiện sinh hoạt. Mặt khác, do sống khép kín trong phòng trọ, nhiều công nhân rơi vào tình trạng thiếu thông tin chính thống, nhận thức xã hội còn hạn chế. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Môi trường văn hóa doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập.
Thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, ngày 31/8/2016 Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 07 và đề ra một số giải pháp như sau:
1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Cấp ủy đảng các cấp nhất là những nơi có khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động vào nghị quyết cấp ủy hàng năm; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động và con em công nhân lao động.
3. Tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy đảng, nhất là các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở doanh nghiệp. Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền đến chủ doanh nghiệp, công nhân lao động về đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Tổ chức bình xét công nhận doanh nghiệp văn hóa, tôn vinh khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nhân rộng các mô hình công nhân văn hóa, gia đình công nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa. Phát triển các loại hình “Câu lạc bộ công nhân”, “Nhà trọ văn hóa công nhân” hoạt động theo sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân. Phát triển mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân cùng với việc tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
4. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật để trang bị kiến thức cho CNLĐ, để CNLĐ có lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp. Nếp sống lành mạnh, tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; không mắc các tệ nạn xã hội. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp đạt “Doanh nhân văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” do Nhà nước tổ chức hàng năm. Thường xuyên củng cố, kiện toàn công đoàn đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn; bồi dưỡng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.