Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; trong gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục rất cơ bản. Truyền thống gia đình, quê hương, đất nước đã góp phần hun đúc tình cảm, lý tưởng cách mạng ở đồng chí Trường Chinh để trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Chân dung Tổng Bí thư Trường Chinh - Ảnh: Tư liệu |
Mười tám tuổi, đồng chí đã tích cực tìm hiểu tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 1925 - 1939, lúc hoạt động ở ngoài cũng như khi ở tù, đồng chí đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng tham gia truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đông đảo cán bộ và nhân dân, trong đó có nhiều người đã trở thành cốt cán của cách mạng.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, địch tăng cường khủng bố, hầu hết các Ủy viên Trung ương Đảng bị bắt, bị giết, nhiều tổ chức Đảng và quần chúng bị phá vỡ. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (11/1940) cử ra chỉ còn lại có 3 người. Với cương vị Quyền Tổng Bí thư ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, đồng chí đã cử cán bộ đi chắp nối liên lạc, khôi phục tổ chức; cử người sang Quảng Tây (Trung Quốc) liên hệ và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Nhờ vậy, phong trào cách mạng dần được khôi phục và củng cố, chuẩn bị cho cao trào cách mạng 1939 - 1945.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau hội nghị, đồng chí rời Pắc Bó (Cao Bằng) về xuôi trực tiếp chỉ đạo phong trào, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các An toàn khu. Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và xử bắn, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử đi công tác nước ngoài. Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng gần như đặt lên vai một mình Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhưng với trí tuệ thông minh, sắc sảo, khả năng ứng phó nhanh nhạy, đồng chí cùng với Trung ương có những quyết định quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên những bước nhảy vọt. Nổi bật là việc đồng chí dự báo việc Nhật - Pháp bắn nhau và sớm chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị
“Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cùng với
“Lời kêu gọi” của Nguyễn Ái Quốc, Chỉ thị đã chỉ rõ thời cơ đang đến và có tác dụng quyết định trong việc động viên hướng dẫn toàn Đảng, toàn dân trong cao trào kháng Nhật cứu nước. Tại Đại hội quốc dân ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ngày 13/8/1945, Ủy ban đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Cống hiến nổi bật của đồng chí Trường Chinh trong giai đoạn này chính là cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng đề ra đường lối của giai đoạn cách mạng mới ở Hội nghị Trung ương 8, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đưa cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thành công.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng tập thể Bộ Chính trị vạch ra đường lối và trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, được đồng chí Trường Chinh giải thích và phát triển trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cùng với thực tiễn sinh động, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn Kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ tại An toàn khu - Ảnh: Tư liệu
Giai đoạn cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cống hiến đặc biệt quan trọng của đồng chí Trường Chinh là đặt nền móng cho cuộc đổi mới. Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân để đề ra chủ trương đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, đồng chí đã nói: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Vì vậy, Đại hội VI của Đảng ta trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lí luận của Đảng ta. Với trách nhiệm Cố vấn BCH Trung ương, đồng chí đã tích cực góp sức mình trong xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế - xã hội, chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng của Đảng và nhân dân ta; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.