Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, rất nhiều lực lượng đã cùng vào cuộc, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, xuyên ngày xuyên đêm, chạy đua với thời gian giúp dân ứng phó với mưa bão, trở thành điểm tựa vững chắc của nhân dân, nhất là lực lượng Quân đội và Công an.
Sáng 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).Tham dự phiên thảo luận có Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương... Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.
Công tác ứng phó mức cao nhất, sự quyết liệt chỉ đạo của cả hệ thống chính trịĐề cập tới công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, đến nay hơn 1 tháng cơn bão Yagi đi qua, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả rất lớn cho các tỉnh miền Bắc nước ta. Mưa bão, sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 đồng bào, nhiều địa phương oằn mình trong bão lũ, nhiều tài sản bị nhấm chìm, cuốn trôi...ĐBQH Nguyễn Thị Thủy thảo luận tại hội trường.
Song, với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cùng với những nghĩa cử đẹp chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão. "Có thể nói, mưa bão đã qua đi nhưng tình dân tộc, nghĩa đồng bào và tình người thì còn ở lại, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc ta" - đại biểu nhấn mạnh. Qua theo dõi công tác này, bà nêu 4 vấn đề:Thứ nhất, công tác chuẩn bị cho ứng phó bão lũ đã được triển khai ở mức cao nhất. Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua, bão có thời gian tăng cấp độ mạnh nhất trong lịch sử và duy trì cấp siêu bão trong hơn 30 giờ đồng hồ. Công tác dự báo bão đã được triển khai từ rất sớm và đã nhận được sự chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo cao nhất, yêu cầu "phải giải chính xác bài toán của siêu bão lịch sử" để chủ động ứng phó. Trên cơ sở đó, một khối lượng công việc "khổng lồ" đã được các cấp, các ngành, địa phương hoàn thành trước khi bão đổ bộ với các biện pháp tập trung cao nhất.Thứ hai là, sự quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo của cả hệ thống chính trị. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, "cứu dân là ưu tiên cao nhất", tập trung toàn lực để cứu dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có nơi nương tựa; không để cháu học sinh nào thiếu trường, thiếu lớp; không để người bệnh nào không có nơi khám, chữa bệnh. Thủ tướng chỉ đạo hàng ngày hàng giờ, sát với diễn biến khẩn cấp của tình hình bão lũ, chỉ trong 1 tuần đầu đã ban hành 10 Công điện, và đến ngày thứ 10 thì đã ban hành Nghị quyết số 143 với hàng loạt giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả của bão lũ. Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ các khó khăn đặt ra.Quang cảnh hội trường.
Các đoàn công tác của Trung ương do trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về với các địa phương trong những ngày bão lũ và đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân nơi đây. Từ sự chỉ đạo của Trung ương, các ngành, các địa phương đã có những kế hoạch và kịch bản ở mức cao nhất, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. "Có thể thấy, một không khí khẩn trương, chạy đua với thời gian trong suốt đợt bão lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân", đại biểu nhận định.Sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầuThứ ba là, sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu. Rất nhiều lực lượng đã cùng vào cuộc, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, trở thành điểm tựa vững chắc của nhân dân, nhất là lực lượng Quân đội và Công an. "Nhân dân sẽ không bao giờ quên được những hình ảnh CBCS chạy đua với thời gian để đưa dân ra khỏi vùng lũ, vùng sạt, xuyên rừng, xuyên núi tiếp tế cho người dân nơi bị lũ cô lập; xuyên ngày, xuyên đêm dọn hiện trường để mở đường cứu dân. Sau trận lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ, hơn 500 CBCS dầm mưa, dầm lũ, xới từng mét bùn, vạch từng bụi cây, bờ đất để mong sớm tìm được dân. Hay như ở Cao Bằng, hàng chục chiến sĩ chân bám bùn, đi hai mấy cây số đường rừng cheo leo, nguy hiểm để khiêng thi thể người dân về với gia đình... Và còn rất nhiều hình ảnh xúc động như thế ở những địa phương nơi bão, lũ về", ĐBQH Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng.ĐBQH Mai Thị Phương Hoa thảo luận tại hội trường.
Thứ tư, tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Cơn bão Yagi đi qua càng thấy được truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc ta. Hình ảnh những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy; hay những căn hộ khách sạn mở cửa miễn phí để đón người dân vào trú bão; bà con Chùa Hương (Hà Nội) đem đò vào vùng lũ, chèo đò, đẩy đò xuyên đêm cứu trợ cho người dân; đồng bào miền Nam, miền Trung ruột thịt xuyên đêm chế biến thực phẩm, gói ghém hàng hóa để kịp gửi cho bà con miền Bắc; hàng nghìn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối đuôi nhau cùng hướng về vùng lũ, mang theo triệu tấm lòng. Những ngày qua, ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đau đáu hướng về miền Bắc. Đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận được hơn 2.000 tỷ đồng, tất cả đều thực hiện theo "mệnh lệnh từ trái tim".Đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng, thiệt hại do siêu bão lịch sử gây ra là không thể tránh khỏi, song với sự chuẩn bị từ sớm và quyết liệt, chúng ta đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại, rủi ro do siêu bão gây ra. Đóng góp tại phiên thảo luận, bà kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi. "Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng những trình tự, thủ tục rút gọn để triển khai một số nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để những tấm lòng của Đảng, Nhà nước kịp thời đến với bà con, vì trong bối cảnh đặc biệt mà vẫn áp dụng quy trình, thủ tục thông thường đối với một số nguồn lực thì sẽ rất khó triển khai", đại biểu góp ý.Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ với những địa phương bị thiệt hại bởi các cơn bão; đề nghị, Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định, nhà nước ta vừa qua đã rất quan tâm, hỗ trợ khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, giúp người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động, tiếp nhận trên 2.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ và đã công bố sao kê việc ủng hộ, công khai việc phân bổ để người dân cùng giám sát. Điều này giúp việc ủng hộ được tập trung, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh dàn trải hoặc bỏ sót. "Lực lượng Công an, Quân đội vẫn là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng của người dân trên tuyến đầu chống chọi và khắc phục hậu quả bão lũ", bà nhấn mạnh thêm.