Theo báo cáo giải trình của Ban Dân tộc tại phiên họp, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trong giai đoạn 2018-2020 luôn được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các chính sách giảm nghèo được hỗ trợ trực tiếp, sát nhu cầu thực tế của hộ nghèo DTTS thụ hưởng.
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đặt vấn đề về chính sách hỗ trợ đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình đời sống của đồng bào DTTS thoát nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 và chương trình giảm 1.000 hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2021 vẫn còn một số tồn tại. Nguyên nhân là do nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của đồng bào DTTS về thoát nghèo chưa thực sự thay đổi, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc hỗ trợ giảm nghèo còn thực hiện theo hình thức một chiều; công tác rà soát, lựa chọn đối tượng, xác định nhu cầu cần hỗ trợ cho các hộ thoát nghèo ở một số địa phương làm chưa chính xác, chưa chú trọng đến việc xác định nguyên nhân nghèo để tư vấn, hướng dẫn hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm đạt mục tiêu của chương trình đề ra…
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng phát biểu quán triệt nội dung giải trình
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan giải trình thêm về chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành đối với công tác triển khai thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo hằng năm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đại biểu đặt câu hỏi về tính bền vững, hiệu quả của các chính sách đã được đầu tư cũng như giải pháp nâng cao tỷ lệ đăng ký học nghề của đồng bào DTTS. Hơn nữa, việc xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào DTTS cũng được các đại biểu vô cùng quan tâm.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Lý Trọng Nhân báo cáo giải trình tại phiên họp
“Vai trò của hệ thống chính trị phải được nâng cao hơn nữa thì công tác giảm nghèo mới được giám sát, đánh giá thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Về lâu dài, trình độ học vấn của đồng bào DTTS cần được nâng cao và có lộ trình lâu dài” - đại biểu HĐND tỉnh Lê Trường Sơn nhấn mạnh.
Theo đại biểu HĐND tỉnh Phùng Hiệp Quốc, các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế trong khảo sát nhu cầu của đồng bào DTTS và chưa giám sát hiệu quả việc thực hiện các nhu cầu. “Thời gian tới, huyện Bù Gia Mập sẽ có đánh giá, sơ kết riêng về chương trình giảm nghèo của huyện. Hiện nhu cầu về nguồn vốn của đồng bào DTTS vẫn chưa được đánh giá và nhìn nhận đúng mức” - đại biểu HĐND tỉnh Phùng Hiệp Quốc cho biết thêm.
Tác giả: Báo Bình Phước online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn