Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, trong đó xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là giải pháp mang tính chiến lược, đảm bảo chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua Bình Phước luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác này, đến ngày 31/12/2023, số liệu trường công lập đạt trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 196/390 trường, đạt 50,25%.
Khó khăn trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc giaNghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Kết luận số 375- KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng đồng bộ, đảm bảo cơ sở vật chất (phòng học, phòng chức năng, phòng hỗ trợ và thiết bị dạy học…) cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định; gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp quản lý với trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội thông qua công tác xã hội hóa giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 71,9% tổng số trường công lập trên toàn tỉnh. Theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường học phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí: (1) Tổ chức và quản lý nhà trường; (2) Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; (3) Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; (4) Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; (5) Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Là một tỉnh biên giới, khó khăn lớn nhất đối với Bình Phước vẫn là huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học.Qua đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, những khó khăn trong xây dựng trường chuẩn hiện nay là: Về cơ sở vật chất: Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động giáo dục bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đầy đủ theo quy định; các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương cũng chưa đáp ứng một số tiêu chí theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 14/2020/TTBGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay cần phải có lộ trình, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý trong từng năm. Về đội ngũ, vị trí việc làm: Số lượng, cơ cấu cán bộ quản lý, giáo viên chưa đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chưa đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục thiết yếu đối với cấp học mầm non về tỷ lệ giáo viên/lớp, thiếu giáo viên dạy môn chuyên, nhất là môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc… Hầu hết các trường đều thiếu nhân viên thiết bị, thư viện, văn thư, y tế; tổng số cán bộ quản lý các trường học đang thiếu 69 cán bộ (trong đó thiếu 12 Hiệu trường và 57 Phó hiệu trưởng); mới có 132/390 trường được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phòng máy vi tính của Trường tiểu học Tân Xuân C (Ảnh Báo Bình Phước Online)
Quyết tâm chính trị cao để hoàn thành mục tiêu đề raĐể thống nhận thức và hành động trong việc huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, coi đây là giải pháp mang tính chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục Bình Phước. Kết luận số 375- KL/TU đã đề các nhiệm vụ, giải pháp:+ Rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất giáo dục, quy hoạch mặt bằng tổng thể, thiết kế xây dựng các trường đáp ứng các điều kiện, tiêu chí trường chuẩn quốc gia để đầu tư xây dựng đồng bộ tránh manh mún dẫn đến kết cấu bất hợp lí giữa các trường và trong từng trường. Thực hiện lồng ghép việc xây dựng trường chuẩn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.+ Rà soát nhu cầu thực tế để có kế hoạch tuyển dụng bổ sung, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo thẩm quyền, đảm bảo số lượng, cơ cấu, tỷ lệ giáo viên, nhân viên giữa các trường; đảm bảo số giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ. Đồng thời, có kế hoạch cử cán bộ quản lý, giáo viên của các trường đi đào tạo nâng cao trình độ để đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định.+ Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng. Huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, nhân dân hỗ trợ đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trường học, đặc biệt xã hội hóa đối với cấp học mầm non.Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực. Số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 113 trường (mầm non: 43 trường; tiểu học: 32 trường; trung học cơ sở: 27 trường; trung học phổ thông: 11 trường). Đến nay, toàn tỉnh có 192/390 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 49,23%, vượt 4,13% Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh đề ra. Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 225/390 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 57,69%). UBND tỉnh cũng đã phân bổ chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành tỉnh và các địa phương, đồng thời yêu cầu sự tham gia, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Xác định công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là giải pháp tiên quyết nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương.