Hàng năm vào ngày 19 tháng 5 cùng với cả Nước lòng chúng ta lại bâng khuâng tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Ngày 19/5/1946 lần đầu tiên Nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Từ đó trở đi cứ đến dịp 19/5 toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn.
Năm 1890 tại quê hương Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cậu bé Nguyễn Sinh Cung - con trai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã chào đời. Lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu ách nô lệ của thực dân Pháp, chàng trai Nguyễn Sinh Cung đã sớm nuôi khát vọng phải thay đổi. Năm 1911 - 21 tuổi, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng Nhân dân ta khỏi ách nô lệ.
Từ Bến cảng Nhà Rồng, với đôi bàn tay và ý chí mãnh liệt, Nguyễn Tất Thành đã ra đi trong vai trò của một người lao động. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên ấy đã vượt qua những đại dương, châu lục và nhiều quốc gia... chỉ với duy nhất một khát vọng bỏng cháy: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu Nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.
Mùa Xuân năm 1930, sau 30 năm theo Chỉ thị của Quốc tế cộng sản, người đã chủ trì hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.Với việc thành lập Đảng cùng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc mình kết thúc bằng cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn đưa Tổ quốc ta về một mối và mở ra một kỷ nguyên mới đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để tưởng nhớ công ơn của Bác, tháng 5 lịch sử, cả nước ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta".
Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất. Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, Đất nước và bạn bè khắp nơi. Hằng năm tới dịp tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam và cả bạn bè Năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ. Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người, sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu; học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.
Dành trọn cuộc đời cho cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đất nước, Nhân dân. Bác luôn trăn trở - đề cao hai chữ “lòng dân”. Tư tưởng ấy, được thể hiện xuyên suốt trong những dặn dò, trò chuyện, những bài viết giản dị mà thấm thía của Người, như: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Hay “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được; trái ý dân thì chạy ngược, chạy xuôi”... Mọi chuyện, đều phải “lấy dân làm gốc”.
Chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã phát động phong trào về nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công lao và cống hiến vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua, con người, sự nghiệp và sự hiến dâng của Bác Hồ cho cách mạng, cho dân tộc đã “hóa thân” vào hồn sông núi, sống mãi trong lòng Nhân dân.