Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới. Sinh thời, Người đặc biệt coi trọng và luôn quan tâm đến xây dựng nền y học Việt Nam và y đức của người thầy thuốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Ngành y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam “Lương y phải như từ mẫu”, phải là người mẹ hiền; phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh”.
Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, trong Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Nhiệm vụ của ngành y tế và phẩm chất của người thầy thuốc được Người viết trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953. Người cho rằng: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Hồ Chí Minh yêu cầu: Cán bộ y tế nên thực hiện điều này.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953 Người viết: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh…”. Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải như một mẹ hiền. Trong lời căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”, Bác dùng chữ “phải” với mong muốn nhấn mạnh, người thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền, phải hội tụ đầy đủ các đức tính tốt đẹp như dịu dàng, tận tình, chu đáo, chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu, như vụ lợi, tiêu cực, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với người bệnh, tắc trách trong công việc. “Lương y phải như từ mẫu” là cốt lõi của đạo đức ngành y. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện thành phố Nam Định (ngày 22-5-1963). (Ảnh: TTXVN)
Sinh thời, Người chủ trương xây dựng một nền y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ ngành y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại, của các nước trên thế giới. Người thường xuyên căn dặn: Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây. Cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt. Bởi vậy, cả ngành y và người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh. Để chống lại bệnh tật, đau yếu, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, nhà vệ sinh, vệ sinh diệt ruồi, diệt muỗi… Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngành Y tế, tháng 2-1955, Bác chỉ rõ: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”. Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Bác Hồ nói chuyện thân mật với giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước (bên trái) - người sáng lập và xây dựng ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam và các trí thức ngành Y (tháng 3-1964). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Tư tưởng “Thầy thuốc như mẹ hiền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và khẳng định nhiều lần ngay trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó đến nay, ngành Y tế nước nhà, những chiến sĩ áo trắng nhất quán trong việc học tập, vận dụng lời căn dặn của Người. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế nước ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách, nắm vững vận hội, vượt qua thách thức, góp phần đưa nước ta tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh…Ngành Y đã lấy nội dung những lời dạy của Người nêu trên làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chǎm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân: Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Vǎn Ngữ, v.v. đều đã thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức. Truyền đạt tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền” của Người thành hành động cụ thể, Phạm Ngọc Thạch đã nêu: “Đến, tiếp đón niềm nở. ở, chǎm sóc tận tình. Đi, dặn dò chu đáo” làm châm ngôn, mọi thầy thuốc, nhân viên trong ngành phải tuân thủ trong việc chǎm sóc, phục vụ người bệnh. Nǎm 1979, Bộ Y tế đề ra nǎm tiêu chuẩn của người cán bộ y tế nhân dân. Nǎm 1982, Bộ Y tế nêu những yêu cầu cụ thể về “thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chǎm sóc sức khỏe nhân dân. Nǎm 1996, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương nêu lên 12 điều quy định về y đức. Ngày 10-8-1999, lại ban hành Quy định về đạo đức hành nghề dược. Ngày 3-1-2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư cho ngành Y tế qua báo Sức khỏe và Đời sống đã phát triển, làm rõ hơn, cụ thể hơn lời dạy của Bác Hồ về y đức trong hoàn cảnh mới của đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được thể chế hóa, cụ thể hóa thành những việc rõ ràng trong công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân. Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền vǎn hóa mới, đạo đức cách mạng mới trong lịch sử dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh là sự khoan dung, nhân hậu, là lòng thương người hết mực. Trong tình thương yêu con người đó, mọi người đều có chỗ. Người không bỏ sót ai, không quên ai, nhất là những người lao khổ, bần cùng, ốm đau, bệnh hoạn. Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Chỉ có tấm lòng cao cả, thương người lớn lao như vậy mới có thể thấu hiểu được nỗi đau đớn của người ốm đau, bệnh tật, mới có thể nêu lên y đức của người thầy thuốc cao cả, thiêng liêng, sâu sắc như vậy.Tư tưởng về y đức của Người mãi mãi là “pháp bảo” của ngành Y tế, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khǎn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân.Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Bác. Đối với cán bộ y tế cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, tư tưởng của Bác về y đức vừa là hệ thống lý luận gắn liền với thực tiễn dễ đi vào lòng người, rất dễ nhớ, dễ làm đồng thời còn là những lời dạy bảo thân thương, chân tình mà mỗi người đều thấm nhuần. Vì vậy, trong thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay, mỗi cán bộ y tế cần phải nghiên cứu vận dụng y đức vào từng vị trí công tác của mình để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam./.