Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, tỉnh đã thuận chủ trương cho khảo sát lập bổ sung dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện lực. Có 30 đơn vị đăng ký thực hiện giai đoạn 2018-2019 với tổng công suất là 6.608MWp. Đến nay có 27 nhà đầu tư khảo sát thực địa với tổng công suất 2.000 MWp. 27 đơn vị này đã được bổ sung quy hoạch vào các dự án điện mặt trời giai đoạn 2018-2030, trong đó có 4 hồ sơ UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương đề nghị thẩm định và phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực, 8 hồ sơ đang lấy ý kiến của các cơ quan trong tỉnh và UBND huyện Lộc Ninh để Sở Công thương thẩm định trình UBND tỉnh xem xét. Dự kiến quy mô công suất quy hoạch điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có tổng diện tích quy hoạch 5.965 ha, công suất đạt 4.978 MWp. Riêng giai đoạn 2017-2020, quy hoạch 4.000 ha.
Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi về giải pháp thực hiện đường dây 220kV phục vụ đấu nối nguồn điện của các nhà đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sau khi đi vào hoạt động.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Cường Lâm đề nghị: Kết nối trạm Bình Long 2 để phục vụ đầu ra nguồn điện cho các nhà đầu tư sau khi đi vào hoạt động. Bổ sung đề xuất vào quy hoạch trình Bộ Công thương về việc các nhà đầu tư đóng góp vào dự án xây dựng đường dây theo công suất của mỗi đơn vị.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho biết: Hiện các nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời tại tỉnh đã cam kết góp vốn theo công suất của mỗi đơn vị. Tỉnh sẽ xin ý kiến của Trung ương đấu nối đường dây 220kV từ Bình Long 2 - Mỹ Phước (Bình Dương) tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cũng giao Sở Công thương có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ lộ trình quy hoạch trình Bộ Công thương xem xét./.