Ông Mai Văn Hè, Phó trưởng Trạm khuyến nông thị xã cho biết: Vườn điều đang bị các loại dịch, bệnh như sâu đục thân, sâu đục cành, bị nấm… do bọ xít muối chích hút chồi non làm cho lá và cành bị đen, cháy khô. Khoảng 10-15 ngày chồi lại nảy mầm ở phần cành chưa bị khô, tuy nhiên bọ xít muỗi tiếp tục tấn công làm cho cây trồng yếu đi, giảm năng suất. Hiện chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến mùa điều thay lá và ra hoa, nếu không diệt trừ bệnh kịp thời, bọ xít sẽ chích hoa, trái điều non, dẫn đến hoa bị khô, trái teo và rụng.
Để phòng chống dịch, từ đầu năm 2017 đến nay Trung tâm bảo vệ thực vật và Trạm khuyến nông thị xã đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật bón phân, chăm sóc, tỉa cành và nhận dạng các loại sâu bệnh ở cây điều cho các hộ dân. Trong đó, mỗi xã, phường chọn một số vườn để làm mô hình trình diễn và tập huấn đầu bờ, thực hành trực tiếp tại vườn. Tuy nhiên, việc tiếp thu và áp dụng của người dân vào thực tế hiệu quả chưa cao, thậm chí chưa đúng khoa học - kỹ thuật.
Ông Phạm Minh ở thôn Nhơn Hòa 1 cho biết: Từ sau thu hoạch vụ điều 2016 đến nay, gia đình đã 5 lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và 2 lần làm cỏ, vệ sinh, tỉa cành, bón phân, nhưng 3 ha điều hầu như cây nào cũng có một vài đám bị cháy lá, khô cành. Còn 1,2 ha điều của gia đình ông Nguyễn Văn Duyên ở khu phố 7, phường Phước Bình bị nhiễm bệnh quá nặng, các đầu cành lá đã bị khô. Nguyên nhân là do bệnh chậm được phát hiện và phun thuốc chưa kịp thời, nên dịch bệnh phát tán nhanh.
Ông Phạm Minh, ở thôn Nhơn Hòa 1 xã Long Giang chỉ cho đoàn khảo sát về tình trạng cháy lá, khô cành điều Ngày 18-9, đoàn khảo sát của tỉnh do bà Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm trưởng đoàn và ông Nguyễn Hoàng Thái, Bí thư thị ủy Phước Long, cùng ngành chức năng của tỉnh, thị xã đã khảo sát các hộ dân trồng điều ở xã Long Giang, phường Phước Bình. Trưởng đoàn khảo sát của tỉnh đề nghị trước mắt các cấp, ngành của thị xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động và tích cực hơn trong vệ sinh vườn cây, tỉa cành, bón phân. Đồng thời đề nghị Thị ủy tăng cường chỉ đạo các ngành, nhất là cơ quan chuyên môn tổ chức các đoàn xuống hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu phân bón, thuốc trừ sâu để giúp dân phòng chống dịch, bệnh. Những đề xuất, kiến nghị của thị xã, đoàn sẽ báo cáo và tham mưu Tỉnh ủy xem xét, giải quyết.