Liên kết vùng còn rất hạn chế và không phát huy được các lợi thế so sánh
Trần Thể
2018-06-08T03:58:34-04:00
2018-06-08T03:58:34-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/news/kinh-te/Lien-ket-vung-con-rat-han-che-va-khong-phat-huy-duoc-cac-loi-the-so-sanh-1913.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ sáu - 08/06/2018 03:58
Liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, bất cập về giải ngân đối với dự án ODA khiến cho nhiều dự án khởi công rồi đắp chiếu là những vấn đề mà đại biểu Điểu Huỳnh Sang và Nguyễn Tuấn Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đặt ra trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, cả nước có 7 vùng kinh tế trọng điểm, nhưng trên thực tế sự liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương và trong đầu tư chủ yếu chú trọng vùng lõi là các trung tâm, thành phố lớn mà bỏ qua các địa phương lân cận đóng vai trò là vệ tinh, bổ trợ cung cấp nguồn tài nguyên, nguồn nguyên liệu cho vùng trung tâm.
Trước thực trạng trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ về những tồn tại liên kết vùng trong phát triển kinh tế, đâu là giải pháp căn cơ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của liên kết vùng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong Nghị quyết 12 hết sức quan tâm và đã nói rõ là phải tăng cường liên kết vùng và thiết kế cơ chế điều chế vùng. Đối với liên kết vùng, theo Phó Thủ tướng không phải là đi phát huy tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh mà phải phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng tỉnh đặt trong tương quan cả một vùng. Còn nội hàm của liên kết vùng trước hết phải có được một quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận đúng như ý kiến đại biểu nói là nó chưa đủ hiệu lực vì những liên kết vùng này thường có liên quan đến rất nhiều bộ, ngành và có quản lý tổng hợp về mặt nhà nước. Chính phủ thấy đây là một vấn đề đại biểu nói rất đúng, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cũng như bàn bạc trong Ban Cán sự Đảng Chính phủ, sắp tới đây tính toán điều phối liên kết vùng trong điều kiện chúng ta không có chính quyền cấp vùng như Israel hay Tây Ban Nha….
Liên quan đến tiến độ giải ngân vốn ODA, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, báo cáo ngày 31/5/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có những đề xuất cần phải tăng tỷ trọng đầu tư vốn ODA đối với các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu nhằm khắc phục những bất cập về giải ngân đối với dự án ODA. Đó là, Luật Đầu tư cho phép giải ngân theo tiến độ của dự án nhưng Luật Ngân sách nhà nước lại chỉ cho phép giải ngân theo dự toán. Do vậy, có những dự án hiện nay đang đắp chiếu, có những dự án có điều kiện thực thi thì hiện nay không thể giải ngân được.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Phó Thủ tướng chỉ ra trách nhiệm của Chính phủ và giải pháp để thực hiện hạn chế này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc này Chính phủ và Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo theo tinh thần nếu như trong từng bộ, ngành và từng địa phương thì hoàn toàn có thể điều chỉnh vốn ODA từ dự án này sang dự án khác. Nếu mà điều hòa giữa Bộ này với Bộ khác thì thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng. Còn trường hợp tổng mức ODA cao hơn tổng đầu tư công trung hạn là 300.000 tỷ và mỗi một năm 60.000 tỷ thì thẩm quyền này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải trình với Quốc hội cho ý kiến.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm là hiện nay số vốn ODA có thể giải ngân thêm được cho đến hết năm 2020 là khoảng 110.000 cho đến 135.000 tỷ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang sơ kết 2 năm rưỡi, 3 năm tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn để kịp thời báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những điều chỉnh vốn giữa dự án này, các dự án khác có thể là tăng thêm nếu như bảo đảm được trần nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước./.