Đại biểu Phan Viết Lượng nêu một thực tế hiện nay là tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng nhà chung cư rất phức tạp và kéo dài. Cử tri cho rằng, đây là một trong những vấn đề thấy rõ nhất sự yếu kém trong công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng bị điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhiều lần, điều chỉnh một cách tùy tiện, không tuân thủ pháp luật, để lại nhiều hệ lụy và gây bức xúc dư luận.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, toàn quốc có khoảng 4.422 chung cư, trong đó số tranh chấp là còn 458 nhà chung cư, chiếm khoảng 10% tổng số chung cư. Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu do bất cập việc đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cư, kinh phí quản lý vận hành; việc xác định sở hữu chung, riêng; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất; chất lượng công trình và một số tranh chấp khác như chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án theo quyết định được duyệt.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nguyên nhân xảy ra tranh chấp do một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, một số chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính để thực hiện dự án, chú trọng đến lợi nhuận thu được để bán căn hộ, chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì và trì hoãn kéo dài bàn giao khoản kinh phí này cho ban quản trị.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương sửa đổi một số vấn đề về thu kinh phí bảo trì, tổ chức hội nghị nhà chung cư, phương thức quản lý, sử dụng nhà chung cư và tư cách pháp nhân của ban quản trị nhà chung cư. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, luật quy định có mô hình là ban quản trị nhà chung cư. Trong thời gian tới Bộ đề xuất bổ sung 2 mô hình. Mô hình thứ nhất là chủ đầu tư tự quản lý vận hành nhà chung cư, tự quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì của nhà chung cư. Mô hình thứ hai là giao cho các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp. Nếu có 2 mô hình này thì mô hình quản lý chung cư sẽ đa dạng hơn, linh hoạt hơn. Việc chọn mô hình nào là do cộng đồng dân cư ở nhà chung cư đó tự quyết định. Hai là mặc dù chủ đầu tư thực hiện hay đơn vị chuyên nghiệp thực hiện thì phải có giám sát của cộng đồng thông qua ban quản trị của nhà chung cư đó.
Về dự án điều chỉnh nhiều lần có sự tác động của nhà đầu tư, chỉ đạo của nhà đầu tư hay không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trên thực tiễn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án có thể có tác động ở những giai đoạn nhất định bằng những biện pháp nhất định. Theo quan điểm của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đây là hành động phải kiểm soát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện hành vi này./.