Bù Đăng là huyện có diện tích cây điều lớn trên địa bàn tỉnh, chiếm khoảng 44,9% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có diện tích điều trong giai đoạn kiến thiết cơ bản là 869,4 ha, diện tích điều cho sản phẩm hơn 60.202 ha, trong đó diện tích điều già trên 30 năm hơn 12.400 ha. Cây điều có vị trí và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng là cây dễ chăm sóc, thu hoạch, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Trên địa bàn huyện hiện có 76 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, trong đó có 1 doanh nghiệp lớn và 12 hợp tác xã có hoạt động về trồng, chế biến hạt điều. Việc ứng dụng công nghệ trong các cơ sở chế biến hạt điều chưa được cải thiện nhiều, chủ yếu là lao động thủ công nên chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, sản phẩm không đồng nhất.
Nông dân thu hoạch điều ở Bù Đăng Sau khi Nghị quyết 11-NQ/TU được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Qua triển khai nghị quyết từng bước đã làm thay đổi về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận nhân dân trong việc tham gia liên kết sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến hạt điều chất lượng cao, tăng giá trị sản phẩm, phát triển thị trường nội địa gắn với xuất khẩu… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh kết luận buổi giám sát
Tại buổi giám sát, các thành viên dự họp đã có một số phân tích làm rõ những ưu, khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân tồn tại trong việc triển khai thực hiện nghị quyết; đồng thời kiến nghị, đề xuất liên quan đến quy hoạch phát triển ngành điều của huyện Bù Đăng. Từ đó, đoàn giám sát số 38 đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 11-NQ/TU và Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; thúc đẩy hình thành nhiều hơn nữa các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người trồng điều.Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng, để hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 11-NQ/TU và Đề án phát triển ngành điều Bình Phước định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đăng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết; tập trung hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng của cây điều, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn huyện; quan tâm hỗ trợ người dân nhiều hơn trong việc trồng, chăm sóc, chế biến điều, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp làm không đúng, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nghị quyết về phát triển ngành điều của huyện./.