Một số địa danh, di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 25/04/2017 04:37 32.261 0
Bình Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng - địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là chiến trường giằng co giữa ta và địch, cũng là nơi quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam
Căn cứ Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Căn cứ được xây dựng từ năm 1973, là tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng. Hệ thống nhà, hầm, hào giao thông được nối với nhau liên hoàn, bảo đảm sinh hoạt, làm việc thuận lợi, thông thoáng và an toàn. Năm 1995, di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được trùng tu lại phục vụ khách tham quan, bao gồm 9 hạng mục công trình, các hạng mục công trình đều được xây dựng theo lối nhà bán âm…Căn cứ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
    
2. Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96
Xây dựng từ năm 1968 – 1974, đây là điểm cuối cùng đường ống dẫn xăng dầu Bắc -  Nam với chiều dài trên 5.000 km, bắt đầu từ Kho Bến Thủy (thành phố Vinh - Nghệ An) đến Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 (huyện Bù Gia Mập - tỉnh Bình Phước) trải qua quãng đường hơn 1.400 km với 115 trạm bơm đẩy đường ống xăng dầu. Di tích chỉ còn lại dấu tích của các hố chôn bồn và các rãnh chôn đường ống. Đây  là di tích quốc gia đặc biệt, được công nhận tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Di tích hiện nay tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập.

3. Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng
Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ và cũng là chi bộ đầu tiên của ngành Cao su Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư. Để ôn lại truyền thống cách mạng, giáo dục tinh thân thần yêu nước cho thế hệ trẻ, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú (tiền thân là đồn điền Phú Riềng) đã tiến hành xây dựng Đài tưởng niệm. Kiến trúc Đài tưởng niệm cao 10 m, chân tượng dài 3,4 m, ngang 1,7 m trên đỉnh tượng đài có biểu tượng búa liềm.
Di tích tọa lạc tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia, tại Quyết định số 05/VH-QĐ ngày 12-2-1999 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
4. Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Trụ sở được xây dựng năm 1973, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thiết kế trên nền văn phòng làm việc Công ty cao su Xét - Xô của Pháp để quản lý việc khai thác mủ cao su ở đồn điền Lộc Ninh nhưng đã bị phá hủy trong chiến tranh. Ngôi nhà xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước nên còn có tên gọi “Nhà Giao tế”. Về kiến trúc, di tích gồm một trệt và một lầu. Tầng trệt xây dựng bằng vật liệu bê tông chắc chắn dùng để hội họp. Tầng lầu được xây dựng bằng gỗ, có lan can bao quanh được thiết kế theo kiểu phòng khánh tiết, mái tôn “5 nóc, 4 mái” được lợp tôn màu đỏ. Di tích nằm ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh và được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia, tại Quyết định số 236-VH/QĐ ngày 12-12-1986 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
 
5. Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam
Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được giải phóng, trở thành “Thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Để phù hợp với tình hình mới, năm 1973, Bộ Chỉ huy Miền đã dời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh về căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) và Cục Hậu cần Miền chuyển từ Campuchia về lập căn cứ tại khu vực Hồ Cầu Trắng. Di tích Cục Hậu cần quân giải phóng miền Nam Việt Nam được xây dựng năm 2009, gồm các hạng mục nhà bia tưởng niệm và nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền, hội trường, nhà bia tưởng niệm và nhà tưởng niệm quân, dân y. Di tích tọa lạc tại xã Lộc hiệp, huyện lộc Ninh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia, tại Quyết định số 621/VHTTDL-QĐ ngày 10-3-2014.

6. Mộ 3.000 đồng bào An Lộc
Đây là nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ dùng bom thả xuống thị xã An Lộc tàn sát 3.000 người vào ngày 3-10-1972, sau đó địch dùng xe ủi hàng ngàn tử thi xuống hố chôn tạo nên một ngôi mộ tập thể trên 3000 người. Di tích nằm ở phường An Lộc, thị xã Bình Long được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia, tại Quyết định số 666/VHTTDL-QĐ ngày 1-4-1985 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

7. Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài
Đây là nơi diễn ra trận đánh từ ngày 9 đến 12-6-1965 của Trung đoàn 2, thuộc Sư đoàn 9 cùng với bộ đội địa phương trong chiến dịch Đồng Xoài, góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Tượng đài được khởi công xây dựng ngày 9-6-2005. Di tích có diện tích 16.932.88 m2, gồm các hạng mục công trình như tượng đài chiến thắng, tranh phù điêu, nhà trưng bày lưu niệm, các hạng mục phụ trợ như hệ thống cây xanh…
Di tích tọa lạc tại phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia, tại Quyết định số 4103/VHTTDL-QĐ ngày 12-12-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp Bộ và cấp tỉnh như: Vườn quốc gia Cát Tiên; Sân bay quân sự Lộc Ninh; Vườn cây lưu niệm Bà Nguyễn Thị Định; Dinh tỉnh trưởng tỉnh Bình Long; Mộ tập thể lực lượng vũ trang An ninh An Lộc; Núi Bà Rá  Thác Mơ; Địa điểm chiến thắng Dốc 31; Thác Đứng; Thác Đăk Mai 1; Chùa Sóc Lớn; Bệnh viện Lộc Ninh -  công trình kiến trúc thời Pháp; Đình thần Tân Khai…
Việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng thể hiện lòng biết ơn đối với cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân không tiếc máu xương, của cải vật chất để xây dựng và bảo vệ các căn cứ cách mạng, hôm nay trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, là điểm du lịch lý tưởng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tác giả bài viết: Quang Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 3.1 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay18,075
  • Tháng hiện tại188,096
  • Tổng lượt truy cập23,759,127
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây