Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia: Từ chiến đấu đến chiến thắng

Thứ ba - 15/04/2025 23:17
Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia là liên minh cách mạng; liên minh đoàn kết chiến đấu trên một chiến trường thống nhất của ba nước Đông Dương. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ba nước luôn gắn kết chặt chẽ tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nòng cốt của liên minh. Hướng tới Lễ kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), chúng ta không quên những đóng góp to lớn của liên minh trong sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Có lẽ, trên thế giới này, thật khó tìm thấy một mối quan hệ gắn bó keo sơn, sâu nặng nghĩa tình hơn như giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đó là tình đoàn kết, thủy chung được khắc sâu qua từng trang sử hào hùng của mỗi dân tộc, được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ trên bán đảo Đông Dương, được ví “như môi với răng”, mối quan hệ keo sơn, gắn bó đến cùng. Vì chung vận mệnh bị ngoại bang xâm lược, có chung kẻ thù xâm lăng, nên ba dân tộc chung cả sứ mệnh chiến đấu giải phóng dân tộc. Từ đây, liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung cũng dần được hình thành, phát triển, chiến đấu trên một chiến trường thống nhất Đông Dương.

Yếu tố vị trí địa - chiến lược của ba nước Đông Dương 

Mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước còn bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội và đặc biệt là vị trí địa - chiến lược. Ba nước Đông Dương nằm ở khu vực trọng yếu của Đông Nam Á, nơi hội tụ nhiều tuyến giao lưu quốc tế quan trọng, có ý nghĩa chiến lược từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Ba nước cùng tạo thành một thế liên kết vững chắc ở khu vực Thái Bình Dương.

Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời của ba dân tộc và trên nền tảng chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đây là thành quả vĩ đại được vun đắp bằng trí tuệ, xương máu của nhiều thế hệ ba dân tộc, phát triển từ không đến có, từ thấp đến cao, từ liên minh chính trị, quân sự tiến lên liên minh toàn diện, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Đông Dương trong gần một thế kỷ qua.

Nhân dân mỗi nước đều nhận thức được rằng, không thể giành thắng lợi nếu thiếu tình đoàn kết liên minh chiến đấu bền vững. Mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước còn bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội và đặc biệt là vị trí địa - chiến lược. Ba nước Đông Dương nằm ở khu vực trọng yếu của Đông Nam Á, nơi hội tụ nhiều tuyến giao lưu quốc tế quan trọng, có ý nghĩa chiến lược từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Ba nước cùng tạo thành một thế liên kết vững chắc ở khu vực Thái Bình Dương.
 
Đại hội Liên minh Việt - Miên - Lào tại Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu

Việt Nam nằm dọc phía Đông bán đảo, như “cửa ngõ” ra Biển Đông của Đông Dương và cả vùng Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong giao thông hàng hải quốc tế. Lào nằm phía Tây bán đảo, được ví như “thành lũy” bảo vệ hậu phương của Đông Dương. Campuchia ở phía Tây Nam bán đảo, tựa vào Việt Nam và Lào, giữ vị trí “vành đai bảo vệ cạnh sườn”, là “tiền đồn” quan trọng phía Tây Nam bán đảo Đông Dương.

Trên đất liền, dãy Trường Sơn hùng vĩ cùng sông Mê Công trải dài qua ba nước được ví như “cột sống” và “mạch máu” chung của khu vực. Cùng với đó là nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, được thiên nhiên ưu đãi. Do vậy, ba nước Đông Dương thường là nạn nhân của những thế lực đi xâm lược nhòm ngó, xâm lăng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Trên phương diện quan hệ quốc tế, Người là hình mẫu tiêu biểu phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Trong đó, những đóng góp to lớn của Người đối với sự phát triển quan hệ giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là một biểu hiện sinh động nhất.

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn đau đáu cho vận mệnh Đông Dương. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (xuất bản tại Pháp) cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc cảnh tỉnh mạnh mẽ về nguy cơ diệt vong nếu giới trẻ Đông Dương không thức tỉnh. Từ thực tế tình hình Đông Dương lúc đó, Người đã xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
 
Ảnh trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (năm 1966). Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Souphanouvong bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào tại Hà Nội, ngày 4-9-1945. (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Nhà xuất bản Thông tấn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Người đã đề ra đường lối cách mạng phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu giải phóng dân tộc của mỗi nước, vừa thúc đẩy tình đoàn kết ba nước trên nguyên tắc độc lập, tự chủ và tôn trọng lẫn nhau. Người luôn coi việc giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia là nhiệm vụ quốc tế quan trọng với tư tưởng: “Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”.

Thông qua tư tưởng, chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp cả về lý luận và thực tiễn, Người đã củng cố khối liên minh chiến đấu của ba nước, tạo nền tảng cho tình đoàn kết đặc biệt và lâu bền. Có thể nói, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; Người đã ra sức củng cố khối liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân Đông Dương và cũng chính là Người khai sinh ra mối quan hệ đặc biệt giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với các đại biểu cách mạng từ Lào và Campuchia. Qua đó, tạo dựng niềm tin vững chắc rằng, sức mạnh của liên minh chính là chìa khóa để đánh bại kẻ thù chung. Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chứa đựng thông điệp về sự cần thiết của đồng lòng, đồng sức, vì mục tiêu cao cả của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Có thể nói, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; Người đã ra sức củng cố khối liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân Đông Dương và cũng chính là người khai sinh ra mối quan hệ đặc biệt giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương

Việc thành lập khối Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào dựa trên bốn nguyên tắc: “Tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau”, là bước tiến mới trong quá trình đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung, củng cố niềm tin của nhân dân ba nước vào thắng lợi cuối trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, cũng là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ các dân tộc ở Đông Dương, là sự thất bại nặng nề của chính sách “chia để trị”, âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Về cái gọi là “Liên bang Đông Dương”, thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh đây không phải là ý muốn chủ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, mà chính là sản phẩm áp đặt của chế độ thống trị thực dân Pháp “quàng lên” cổ nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong gần 100 năm đô hộ. Để tự giải phóng khỏi ách thống trị thực dân, nhân dân ba nước đã đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chung, đưa đến việc ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương trong bối cảnh cuộc đấu tranh giữa ta và địch những năm của thập niên 1930.
 
Bộ đội Việt Nam làm lễ chào cờ, nhận nhiệm vụ trước khi ra mặt trận Lào-Miên (20-9-1947). Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào Nhà xuất bản Thông tấn,

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược ba nước lần thứ hai, chúng đã lập lại Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Vì thất bại nặng nề trong âm mưu xâm lược, nên từ năm 1950, Pháp buộc phải xóa bỏ Đông Dương thuộc Pháp và bày trò trao quyền tự trị cho ba nhà nước liên kết với Pháp.

Tại Đại hội lần thứ II (2-1951), Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra chủ trương thành lập ở mỗi nước một chính đảng Mác-Lênin chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng của nước mình. Chủ trương này thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức chính trị của Đảng “về quyền dân tộc tự quyết” của các dân tộc, phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội ở từng nước.

Tiếp đó, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương (11-3-1951) đánh dấu sự phối hợp và liên minh giữa nhân dân ba nước Đông Dương ngày càng được mở rộng, là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu chống kẻ thù chung, vì độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Do vậy, việc chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế không ngớt rêu rao luận điệu “Việt Nam muốn lập Liên bang Đông Dương do Việt Nam đứng đầu...” chính là âm mưu thâm độc, nhằm chia rẽ và suy yếu cách mạng Đông Dương để chúng dễ bề can thiệp và thôn tính.

Liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) là đỉnh cao, là mốc son chói lọi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi ấy chính là sự đoàn kết, phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trước âm mưu mới của thực dân Pháp với kế hoạch Navarre, Bộ Chính trị đã thông qua phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954, trong đó xác định phải phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường chính và chiến trường "chia lửa". Việt Nam tập trung chủ lực mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong khi đó quân và dân Lào, Campuchia cùng phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch ở Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Những chiến dịch này đã giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn, chia cắt chiến lược của địch, làm suy yếu lực lượng cơ động, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Tại Mặt trận Thượng Lào, bộ đội chủ lực Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào tiến công vào phòng tuyến sông Nậm U, buộc lực lượng địch ở đây tháo chạy, giải phóng lưu vực sông Nậm U.

Hoạt động quân sự phối hợp với quân và dân hai nước Lào, Campuchia trong Đông Xuân 1953-1954 đã góp phần làm giảm khối chủ lực tập trung của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ; chặt đứt các con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ, góp phần cô lập chiến trường này, tạo điều kiện thuận lợi để quân dân Việt Nam giành thế chủ động tiến công địch.

Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Thắng lợi này không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, góp phần đặt nền tảng cho thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã khẳng định tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Mối quan hệ này được xây dựng và phát triển trên nền tảng của chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của mỗi dân tộc. Trong suốt cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tương trợ lẫn nhau giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương không ngừng được củng cố, vun đắp. Sự gắn bó này đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của từng dân tộc, đồng thời khẳng định sức mạnh chung của ba nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới nhiều biến động khó lường, ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia cần tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác, đoàn kết để thích ứng hiệu quả với thời cơ và thách thức hiện nay; cần làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ giữa ba dân tộc, củng cố lòng tin chính trị, truyền thống đoàn kết quý báu như một tài sản vô giá, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển.

Cùng với đó, ba nước cần hỗ trợ, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhau, thúc đẩy liên kết kinh tế, nhất là về giao thông, thương mại, du lịch...; mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật. Đồng thời, cần đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, tìm kiếm phương thức và lĩnh vực hợp tác mới. Việt Nam, Lào và Campuchia cũng cần phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đóng góp tích cực vào xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống hữu nghị cần được đẩy mạnh để thế hệ trẻ ba nước hiểu rõ, trân trọng và tiếp nối mối quan hệ bền chặt này. Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần đưa quan hệ ba nước phát triển bền vững, hiệu quả và trường tồn.
 

Tác giả: Mỹ Phương

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

35

Chào giá dịch vụ thuê kiểm toán

Thời gian đăng: 02/03/2025

lượt xem: 383 | lượt tải:71

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2406 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2918 | lượt tải:728

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 21003 | lượt tải:4574

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21630 | lượt tải:100252

35

Chào giá dịch vụ thuê kiểm toán

Thời gian đăng: 02/03/2025

lượt xem: 383 | lượt tải:71

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2406 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2918 | lượt tải:728

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 21003 | lượt tải:4574

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21630 | lượt tải:100252
Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm182
  • Hôm nay59,695
  • Tháng hiện tại1,435,144
  • Tổng lượt truy cập33,307,494
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây