Tọa đàm: Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô - 50 năm một chặng đường

Thứ sáu - 26/08/2022 20:45 1.065 0
Chiều ngày 25-8, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Quân đoàn 4 và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm “Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô - 50 năm một chặng đường”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh; Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó chính ủy Quân đoàn 4; Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền; Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản Quách Thị Ánh đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm vinh dự đón tiếp 23 đại biểu là các tướng lĩnh, cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu và giành chiến thắng oanh liệt tại Chốt chặn Tàu Ô cách đây gần 50 năm.

Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô: 150 ngày đêm rực lửa

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh: Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thắng lợi Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Chốt chặn Tàu Ô, nằm trên Quốc lộ 13, dài gần 20 km, từ phía nam thị xã An Lộc đến phía bắc huyện Chơn Thành, trọng điểm là khu vực Tàu Ô – Xóm Ruộng thuộc địa bàn Hớn Quản ngày nay. Là con đường giao thông huyết mạch, phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của Mỹ ngụy.

Bằng ý chí kiên cường ngăn địch từ trên xuống, dưới lên, cùng với sự vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, ta đã biến chốt chặn Tàu Ô trở thành một “Bức tường thép” trên Quốc lộ 13 tạo sự chia cắt triệt để bao vây cô lập thị xã An Lộc, bảo vệ địa bàn vùng mới giải phóng Lộc Ninh - Bù Đốp, giành thế chủ động trên chiến trường, giành thắng lợi trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc làm nên đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. 
 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
 
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh mong muốn: Tọa đàm hôm nay được tổ chức nhằm tiếp tục được gặp gỡ, lắng nghe ý kiến trao đổi các tướng lĩnh, chỉ huy, các nhà khoa học, đặc biệt các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Tàu Ô năm xưa. Từ đó, khẳng định chiến lược đúng đắn và quyết tâm cao của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta trong Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô. Trận đánh để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đã được nghiên cứu vận dụng thành chiến lệ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; góp phần tô thắm thêm truyền thống hào hùng của quân và dân Miền đông Nam Bộ và cả dân tộc Việt Nam.

Thông qua tọa đàm tiếp tục làm rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, tuyên truyền giá trị to lớn, tinh thần bất khuất, kiên cường của cán bộ, chiến sỹ, đồng bào tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống, làm phong phú thêm giá trị lịch sử của quân dân tỉnh Bình Phước và Quân đoàn 4. Từ thực tiễn chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, cho phép chúng ta rút ra những bài học quý giá phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, qua buổi tọa đàm này, sẽ góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Phước, của huyện Hớn Quản sau 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, chúng ta tự hào là địa phương anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, nghĩa tình, năng động và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Nhiều ý kiến đóng góp quý báu

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu liên quan đến vị trí, vai trò của Chốt chặn Tàu Ô trong chiến dịch Nguyễn Huệ; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; vai trò của lực lượng vũ trang Bình Phước trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và Chốt chặn Tàu Ô… Đặc biệt, buổi tọa đàm còn nhận được những ý kiến cực kỳ quý báu của các tướng lĩnh, cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Chốt chặn Tàu Ô cách đây gần 50 năm.
 
Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó chính ủy Quân đoàn 4 điều hành các ý kiến phát biểu thảo luận tại buổi tọa đàm
 
Chia sẻ trước đông đảo các đại biểu dự tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 xúc động: Với khẩu hiệu “còn một người là một mũi thép tiến công, một tổ là một trụ thép, lấy vũ khí của địch để đánh địch, một người sử dụng nhiều loại vũ khí”, Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh hơn 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau, tiêu diệt 8.189 tên địch, bắt 211 tên, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại, phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, thu 390 súng các loại. Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Đường 13. 

Sư đoàn 7 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ tư lệnh Miền trao cờ thưởng luân lưu Quyết chiến quyết thắng có ảnh Bác Hồ lần thứ 2. Tuy nhiên, chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã ngã xuống.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, những giá trị to lớn về chiến thuật, chiến dịch của chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô - Chiến dịch Nguyễn Huệ cần tiếp tục đưa vào các học viện, nhà trường quân đội để nghiên cứu, học tập. Trong khi đó, đối với chính quyền địa phương các cấp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ thấy được tinh thần kiên cường, bất khuất, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bình Phước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; phát huy tinh thần, ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Trong khi đó, theo Đại tá Trần Văn Kiểm, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 4 thì chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình của Sư đoàn 7. Trong đó, nổi bật có nghệ thuật nghi binh tạo thế, cụ thể để đánh bại các cuộc hành quân của địch, giữ vững chốt trên Đường 13, Sư đoàn bộ binh 7 đã điều chỉnh thế trận chốt và lực lượng cơ động, bên cạnh tập trung giữ vững chốt chiến dịch.

Về nghệ thuật đánh trận then chốt, trận then chốt đầu tiên của chiến dịch Nguyễn Huệ giành thắng lợi, Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn đã gây kinh hoàng cho quân đội Sài Gòn, Chiến đoàn 52 bỏ căn cứ Đồng Tâm tháo chạy về An Lộc bị Trung đoàn bộ binh 209 chặn đánh tiêu diệt một số lớn tại cầu Cần Lê, buộc địch phải điều lính dù Quân đoàn 3 về tăng cường lên giữ An Lộc, hình thành tuyến ngăn chặn tiến công của ta và Lộc Ninh được giải phóng với dân số 25 ngàn người.

Nghệ thuật chiến đấu chốt chặn kết hợp đánh vận động: Thực hiện “chốt cứng, chặn đứng” giữ vững trận địa dài ngày, không để cho địch cùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua khu vực phòng ngự của sư đoàn, tạo thế bao vây chia cắt đánh chặn bộ binh và xe cơ giới địch lên tăng cường cho căn cứ An Lộc, và địch tháo chạy về Chơn Thành, Sài Gòn.

Nghệ thuật vừa chuyển hóa thế trận, lực lượng linh hoạt, vừa kết hợp phòng ngự vững chắc, với vận động tiến công kết hợp chốt và đánh địch ngoài công sự: Để đánh bại các cuộc tiến công của địch giữ vững chốt trên Đường 13, Sư đoàn bộ binh 7 đã điều chỉnh lực lượng thế trận và cơ động lực lượng đánh địch ngoài công sự giữ vững các chốt chiến dịch, đồng thời tổ chức lực lượng thêm các chốt trên Đường 13 buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, khi tiến công vào các chốt của ta.
 
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi tọa đàm
 
Đại tá Trần Văn Kiểm cho rằng: Thực tiễn chứng minh khi địch tiến công chốt cống Ông Tề từ 21-5 đến 26-6-1972, sư đoàn điều Trung đoàn 141 từ Tân Khai xuống phối hợp với Trung đoàn 209 phản công địch giữ vững chốt. Khi khu vực chốt Tàu Ô bị địch vây ép mạnh từ 15-7 đến 10-8-1972 có nguy cơ bị địch chiếm, ta kịp thời chuyển lực lượng chủ yếu ra phía sau lưng địch rồi bất ngờ tiến công căn cứ Lai Khê, cùng lúc lực lượng cơ động của Sư đoàn bộ binh 7 phối hợp với Trung đoàn 205 vận động tiến công địch trên đoạn Chơn Thành - Lai Khê khiến quân địch không kịp trở tay. Ngoài ra, ta còn đưa lực lượng tổ chức các chốt cơ động và tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn biệt động quân 35 và 51 từ Biên Hòa lên chi viện, đồng thời tạo thế vững chắc để các lực lượng cơ động xuống phía Nam.

Như vậy, với việc chuyển hóa giữa chốt chính và lực lượng cơ động tiến công địch ngoài công sự nên ta không chỉ giữ vững trận địa mà còn đánh bại mọi nỗ lực hòng mở thông Đường 13 của địch.

Di tích địa điểm chiến thắng “Chốt chặn Tàu Ô” là di tích tiêu biểu, có ý nghĩa giá trị lịch sử to lớn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp loại di tích lịch sử Quốc gia ngày 29/3/2012, được đầu tư xây dựng tương đối khang trang, là địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch về nguồn của khách tham quan. Tuy nhiên, việc kết nối, phát huy lan tỏa giá trị di tích trong phát triển du lịch, văn hóa chưa nhiều. Rất mong các đồng chí hiến kế cho tỉnh về vấn đề này. Cần làm rõ việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là đoàn viên, thanh niên, các em học sinh; ý thức giữ gìn và phát huy di tích; việc giới thiệu, quảng bá qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, công tác dân vận, phát triển du lịch…

Tác giả bài viết: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây