Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã; trưởng ban tổ chức các huyện, thị ủy; bí thư kiêm chủ tịch UBND 3 xã thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp xã kiêm chủ tịch UBND.
Đề nghị thi tuyển các chức vụ lãnh đạo cấp phòng và sở, ngành Báo cáo thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm do đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày tại buổi làm việc cho biết, toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 22 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 826 tổ chức cơ sở đảng và 31.346 đảng viên. Đến ngày 20-7, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp 934 đảng viên, đạt 62,3% so với chỉ tiêu đề ra của năm 2016. Tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị được đổi mới, kiện toàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X). Việc xây dựng đề án vị trí việc làm đã hoàn chỉnh gửi Bộ Nội vụ phê duyệt, đồng thời hoàn thành kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, tại buổi làm việc, Tỉnh ủy kiến nghị: Trong giai đoạn 2016-2021 cần phải trọng tâm tinh gọn bộ máy; có quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất trong việc đánh giá cán bộ, công chức hàng năm, nâng cao tính thiết thực của công tác này làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế. Phải trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW (cả hệ Đảng và chính quyền), vì nếu giảm thì bộ máy sẽ gọn và biên chế giảm theo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng mô hình bí thư cấp xã kiêm chủ tịch UBND.
Để giảm tình trạng xin – cho, Bình Phước đề nghị Trung ương phân cấp nhiều hơn cho địa phương, tạo cơ chế thông thoáng để tỉnh linh hoạt trong việc lựa chọn phương pháp thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, cán bộ, đảng viên… Đồng thời đề nghị Trung ương có quy định về thi tuyển vào các chức vụ lãnh đạo cấp phòng và sở, ngành để lựa chọn những người thực sự có năng lực đảm đương hoàn thành nhiệm vụ.
Biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã đạt được, đồng chí Phạm Minh Chính đã gợi mở những giải pháp trọng tâm để tỉnh tiến nhanh, mạnh trong thời gian tới như: Đánh giá được những tiềm năng khác biệt, nổi trội của địa phương để có những biện pháp quy hoạch đầu tư, phát triển kinh tế; phải xem cải cách thủ tục hành chính là một trong 3 khâu đột phá; cần thay đổi cách cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp đi từ trên xuống thay vì từ dưới lên…
Các đại biểu về dự hội nghị Đồng chí Phạm Minh Chính cũng đề nghị tỉnh sớm có giải pháp khắc phục tình trạng “dân tin mà Đảng chưa cử” như việc một số trưởng thôn, ấp, sóc chưa là đảng viên. Thực hiện công tác cán bộ phải linh hoạt, không nên cứng nhắc để tránh chảy máu chất xám. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trong công tác đánh giá cán bộ phải có sự so sánh giữa thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương với nhau, qua đó chọn được những cán bộ nổi trội, có đức, có tài. Đồng thời rà soát lại kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, có lộ trình và mục tiêu cụ thể để khắc phục các hạn chế, thiếu sót.
Chú ý thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Bình Long sáng 18-8, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, phương thức lãnh đạo của Thị ủy đã có sự đổi mới, tăng cường. Đồng chí yêu cầu ngay từ bây giờ, Ban Thường vụ Thị ủy phải chuẩn bị cho việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ mới, để tránh bị động.
Đồng chí Phạm Minh Chính và đoàn làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Bình Long Về những kiến nghị của Thị ủy, như Trung ương quan tâm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng Bình Long thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cần phải huy động theo phương châm nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm. Việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết phải sát với tình hình thực tế, đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Trong tuyên truyền, vận động, phải đặc biệt chú ý đến thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp của thị xã thực hiện tốt việc noi gương của người đứng đầu để cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Minh Hợi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Long cho biết: Thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ của thị xã có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo “động” và “mở”. Hiện 5/6 xã, phường có bí thư, chủ tịch là cán bộ được luân chuyển; 3/6 xã, phường thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm theo Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương gặp nhiều khó khăn do nguồn cán bộ hạn chế (định mức biên chế được giao), cần phải linh hoạt. Ngoài ra, việc đảm bảo trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là các ngành thuộc khối nội chính khó đảm bảo phương châm “mở”.
Thị ủy Bình Long đã kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương 7 vấn đề, trong đó đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 25-9-2014 về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm nhằm đánh giá đúng thực chất. Nghiên cứu, sửa đổi Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW về nội dung sinh hoạt chi bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là chi bộ ở địa bàn dân cư có đông đảng viên lớn tuổi, cán bộ hưu trí…
* Trước đó, sáng 18-8, đồng chí Phạm Minh Chính và đoàn đã làm việc với Đảng ủy xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Đây là một trong 20 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Phạm Minh Chính làm việc tại Đảng ủy xã Thanh Lương Ý kiến của bí thư chi bộ, trưởng các ấp, sóc ở xã Thanh Lương (Cần Lê, Thanh Hải, Thanh Kiều, Thanh An, Sóc Giếng…) đã làm rõ hơn những khó khăn trong công tác kết nạp đảng viên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo tại cơ sở; cần giảm những thủ tục giấy tờ của chi bộ, đặc biệt là ở chi bộ khối nông thôn; những kinh nghiệm, mô hình hay trong thực hiện xây dựng nông thôn mới…
Đồng chí Phạm Minh Chính tặng quà cho Đảng ủy xã Thanh Lương Đồng chí Phạm Minh Chính đã gợi mở nhiều vấn đề để Đảng bộ xã Thanh Lương có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới như: Xây dựng nguồn nhân lực vừa có lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn; cần tính toán để cân đối được thu – chi ngân sách. Những kiến nghị, đề xuất của đảng ủy, trưởng các ấp, sóc đã được đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các thành viên đoàn công tác ghi nhận, giải đáp ngay tại buổi làm việc.