Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam, như quy định về bắt buộc các mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại, hoặc số định danh cá nhân, và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream); không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản mạng xã hội…
Ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức "Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP" với sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các tổ chức, doanh nghiệp và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của lĩnh vực thông tin điện tử trong năm 2024, định hướng nhiệm vụ năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: "Trong những năm gần đây, không gian mạng đã trở thành không gian sống quan trọng của nhiều người dân, giúp cho việc chia sẻ và tiếp cận thông tin ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch và công khai trong xã hội. Các loại hình dịch vụ nội dung trên mạng nói riêng và lĩnh vực thông tin điện tử nói chung phát triển ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi về thông tin, giải trí, mua sắm của người sử dụng nhằm nâng cao chất lượng sống trong đời sống xã hội hiện đại".
Quang cảnh hội nghị.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong 1 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, lĩnh vực thông tin điện tử đã có những đóng góp tích cực cho ngành thông tin và truyền thông nói riêng và cho đời sống xã hội nói chung.
Cụ thể, mạng xã hội trong nước đã dần thu hút được đông người sử dụng Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, sức ảnh hưởng, tác động của thông tin trên các mạng xã hội trong nước vẫn còn hạn chế so với các nền tảng xuyên biên giới do các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới dẫn đến các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam như tin giả, tin lừa đảo chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới.
Các nền tảng xuyên biên giới trong năm qua đã có bước tiến tích cực trong việc hợp tác với cơ quan quản lý để xử lý các nội dung vi phạm và đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nhận biết và cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo. Tuy nhiên, vì hàng ngày, hàng giờ, người dùng khắp nơi trên thế giới vẫn xả "rác" lên mạng, do vậy, các nền tảng xuyên biên giới không thể chỉ xử lý các yêu cầu từ cơ quan quản lý mà cần chủ động sử dụng thuật toán để rà quét, phát hiện các vi phạm tương tự. Có như vậy, việc xử lý mới hiệu quả, căn cơ và đây cũng là trách nhiệm của nền tảng đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam như Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP...
Về công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, hiện nay, Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc của Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết nối với các Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố đã có Trung tâm theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông). Nhờ vậy, hiện nay, các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay được vi phạm tại địa bàn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương đối với vụ việc có liên quan đến nhiều địa phương.
Trong những năm qua, tình trạng "báo hóa" trang tin và mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương nhận diệp, tập trung chấn chỉnh kịp thời với việc triển khai hàng loạt các giải pháp: thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xem xét đình chỉ hoạt động. Nhờ đó, tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, có lúc, có nơi vẫn còn một số vi phạm mà báo chí, cử tri đã phản ánh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới đã đi vào nề nếp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn đều ý thức, nhận thức phải tuân thủ quy định về quảng cáo, việc bổ sung quy định vào dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi bổ sung sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc triển khai hiệu quả việc quản lý quảng cáo trên mạng nói chung và quảng cáo xuyên biên giới nói riêng.
Về lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng, trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp sản xuất và phát hành trò chơi điện tử triển khai được nhiều hoạt động quan trọng có tính chất định hướng phát triển ngành: tổ chức được lần thứ 2 Ngày hội Gameverse 2024, mang tầm vóc quốc tế với sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nền tảng xuyên biên giới lớn cùng tham gia với chuỗi nhiều hoạt động, sự kiện, hội thảo, cuộc thi hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác kêu gọi đầu tư nước ngoài; xây dựng Chiến lược quản lý và phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã sát cánh với cơ quan quản lý cùng nhau thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, tình trạng game lậu, game cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường game trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, trong năm 2025, các cơ quan quản lý có liên quan, các doanh nghiệp game trong nước cần phối hợp để rà quét, phát hiện và triệt để xử lý tình trạng game lậu, game bất hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thông tin điện tử trong năm vừa qua.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Thứ trưởng Phạm Đức Long ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thông tin điện tử trong năm vừa qua
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam như quy định về bắt buộc các xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản mạng xã hội.
Ngoài ra, Nghị định 147 còn tập trung triển khai xử lý vấn đề báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện các thủ hành chính về cấp phép game từ Bộ xuống các đơn vị thực thi, từ Trung ương xuống địa phương; bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý thông tin trên mạng theo nguyên tắc "các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng như trong đời thực"… và nhiều quy định khác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thông tin điện tử.
Thông qua hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn lắng nghe những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dịch vụ, đồng thời phổ biến những quy định mới tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP để việc thực thi Nghị định được hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, Nghị định 147 sẽ tập trung triển khai xử lý vấn đề "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện các thủ tục hành chính về cấp phép game từ Bộ xuống các đơn vị thực thi, từ Trung ương xuống địa phương; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý thông tin trên mạng theo nguyên tắc “các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng như trong đời thực”… và nhiều quy định khác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thông tin điện tử.