Về phía tỉnh Bình Phước, đồng chí Mạc Đình Huấn – Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự hội nghị và tham luận, đã diễn ra diễn đàn bàn tròn với các diễn giả
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu; GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; PGS,TS. Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, văn hóa lãnh đạo, quản lý không chỉ có ý nghĩa định hình phong cách cho một cá nhân hay một đội ngũ những người làm công tác lãnh đạo quản lý, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và sự phát triển chung của xã hội trên nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội.
Hội thảo khoa học hôm nay là diễn đàn quan trọng để tăng cường sự đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giữa các nhà khoa học, nhà lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị của các địa phương khu vực Đông Nam Bộ về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị hiện nay.
GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý các tỉnh, thành phố tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, thảo luận những biện pháp mới, có tính đột phá nhằm xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, góp phần “Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.... Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong xây dựng và phát triển vùng”.
Đồng chí Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tham dự hội thảo
Sau phiên thảo luận, tham luận, đã diễn ra diễn đàn bàn tròn với các diễn giả: Đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu; PGS,TS Lâm Nhân – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước; đồng chí Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh; PGS,TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II.
Tại Hội thảo với tinh thần khoa học, dân chủ và trách nhiệm, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý các tỉnh, thành phố tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, thảo luận những biện pháp mới, có tính đột phá nhằm xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, góp phần “Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái... Đồng thời, phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong xây dựng và phát triển vùng.
Đồng chí Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước chia sẻ tại diễn đàn bàn tròn.
Trong gần nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Bình Phước tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã cụ thể hóa nội dung này qua việc ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 30/9/2021). Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), các quy chế, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chú trọng khâu phòng ngừa thông qua tăng cường kiểm tra, giám sát theo Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 01/3/2018 của Ban Bí thư “Về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Cấp ủy viên các cấp và cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu luôn đi trước nêu gương, làm gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong mọi mối quan hệ công tác và cuộc sống.
Từ tỉnh đến các địa phương, đơn vị duy trì thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước trong chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tăng cường công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm nêu gương, đưa nội dung nêu gương vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên bảo đảm yêu cầu. Thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, đến nay việc thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên; tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh có ý thức hơn trong rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng gia đình, tổ dân phố, khu phố văn hóa; tích cực đấu tranh với những biểu hiện và hành vi sai trái.
Đặc biệt, ngày 20/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa con người Bình Phước năm 2030 định hướng đến năm 2045. Trong đó, chỉ rõ nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế là đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, xây dựng văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội”.