Phước Long bị thất thủ, trên chiến trường Bình Phước lúc này quân đội Sài Gòn co cụm về cứ điểm tại An Lộc và Chơn Thành với nhiều điểm chốt được bố trí lực lượng quân lớn. Tuy nhiên, ở các ấp chiến lược ngoại vi quân ta đều đã làm chủ với mức tranh chấp mạnh.
Đội thồ nữ Bình Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh: Tư liệu.
Để phục vụ cho chiến trường đang tiếp diễn từ đầu tháng 3/1975, Tỉnh ủy Bình Phước tiếp tục huy động dân công với hàng ngàn người từ các đồn điền cao su, xã, buôn, sóc sẵn sàng tham gia vào các đoàn dân công hỏa tuyến, ngày đêm phục vụ công binh mở đường làm cầu, mở ngầm qua sông suối, thồ tải vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men phục vụ cho chiến dịch.
Phát huy thắng lợi đợt 1 của chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mở tiếp đợt 2 đánh mạnh khắp nơi.
Trung đoàn 201, quân chủ lực Miền được rút khỏi chiến trường Bình Long giao lại địa bàn An Lộc cho Tiểu đoàn 203 Bình Phước và du kích An Lộc. Tỉnh ủy, Tỉnh đội Bình Phước với chủ trương tập trung tăng cường cán bộ xuống địa bàn giúp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng tiếp tục củng cố xây dựng vùng giải phóng, đồng thời tổ chức bao vây tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc.
Tuy với lực lượng quân lớn, nhưng Bộ Chỉ huy Tiểu khu Bình Long của quân đội Sài Gòn như các cụm quân, liên đoàn biệt động quân số 31 cùng các binh chủng hợp thành đều bị cô lập, hoang mang cực độ. Nhận thấy không có khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ có thể bị tiêu diệt trước sức mạnh của quân ta, ngày 23/3/1975 địch bỏ An Lộc rút chạy về Chơn Thành, An Lộc được hoàn toàn giải phóng.
Rút chạy về Chi khu Chơn Thành, Mỹ - ngụy bố trí ở đây một chiến đoàn, một liên đoàn biệt động quân, 3 pháo đội, 4 chi đội xe tăng thiết giáp, 2 tiểu đoàn bảo an và toàn bộ lực lượng quân Bình Long chưa rã ngũ nhằm án ngữ đường 13, một cửa ngõ trấn giữ vùng Tây bắc Sài Gòn. Tuy nhiên cụm cứ điểm Chơn Thành đã bị ta cô lập về đường bộ.
Ngày 25/3/1975, thực hiện hiệp đồng tác chiến, bộ đội địa phương của ta bắt đầu vây đánh các chốt bảo an ở Chơn Thành 2, Ngọc Lầu, tiến vào phía Bắc chi khu, tiến công lực lượng biệt động ở phía Đông. Hướng chủ yếu tuy mở được rào, nhưng không phát triển vào trong chi khu. Bộ đội chủ lực ta dùng pháo 85 ly bắn thẳng, tập trung đánh chia cắt các vị trí Nam sân bay, đánh chiếm được một số chốt cấp trung đội và đại đội của địch.
Ngày 31/3/1975, bộ đội chủ lực của ta được tăng cường thêm, mở đợt tiến công mới vào chi khu, nhưng vẫn không chiếm được các mục tiêu quy định. Pháo địch rải thảm chung quanh cứ điểm. Không quân của địch ném bom dữ dội gây cho ta nhiều tổn thất, nhưng tất cả các chiến sĩ vẫn kiên trì vây hãm. Chiều ngày 1/4/1975, quân ngụy điều trung đoàn 1 thiết giáp từ Lai Khê lên chi viện, nhưng bị quân chủ lực của ta đánh tan tại Bàu Bàng.
Phát hiện được hướng rút quân của địch, bộ đội chủ lực của ta đã vận động phục kích. Sáng ngày 2/4/1975, quân ta phục sẵn lập tức chia cắt ngụy quân ra từng đoàn. Trên đường 13 từ Chơn Thành về suối Thôn (cầu Tham Rớt), cuộc chiến đấu ngoài công sự diễn biến ác liệt, ta vừa đánh địch, vừa giải thoát cho 500 đồng bào bị địch cưỡng ép di tản chạy về Thủ Chánh - Bàu Bàng.
Chiều ngày 2/4/1975, cuộc chiến đấu kết thúc, Chơn Thành được hoàn toàn giải phóng. Đây cũng là cứ điểm cuối cùng của quân đội Sài Gòn bị quân và dân Bình Phước xóa bỏ. Thắng lợi của quân dân Bình Phước đã tạo tiền đề và tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một góc phố của thị xã Bình Long ngày nay.
Ngày 15/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước khóa IX đã quyết định chọn ngày 23/3/1975 (ngày giải phóng An Lộc) là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước để ghi dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước, kiên cường, anh dũng, bất khuất trên quê hương Bình Phước anh hùng.
Phát huy truyền thống hào hùng của quân và dân Bình Phước trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xây dựng tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững./.