Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Phước được thành lập với bao bộn bề gian khó cả về điều kiện kinh tế và đời sống xã hội của một tỉnh biên giới, vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém; GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước (2,6 triệu đồng/người/năm 1997), trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ và hộ nghèo cao…
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, sau 25 năm tái lập, Bình Phước đã có sự phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Trong quá trình phát triển, UBND tỉnh các nhiệm kỳ luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh, tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.
Cơ cấu thu ngân sách địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh và thương mại - dịch vụ thuộc khu vực ngoài quốc doanh đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng thu ngân sách nhà nước. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung bởi tác động của đại dịch Covid-19, kết quả thu ngân sách năm 2021 là 13.500 tỷ đồng, bằng 178% chỉ tiêu Trung ương giao và bằng 104% chỉ tiêu điều chỉnh của HĐND tỉnh giao, và đặc biệt tăng gấp 79 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh (năm 1997 chỉ đạt 172 tỷ đồng). Năm đầu tái lập tỉnh, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,6 triệu đồng, đến năm 2021 đạt gần 76 triệu đồng, tăng hơn 29 lần.
Từ chỗ toàn tỉnh không có KCN, đến nay Bình Phước đã có 15 KCN (trong đó có 2 KCN nằm trong khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích 6.061 ha. Tỷ lệ lấp đầy 71,5%, có 8 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Bình Phước đang là điểm đến của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới (C.P. Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa…) và trong nước (Becamex IDC, Minh Hưng - Sikico…).
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng ở KCN Becamex - Bình Phước
Nhờ bứt phá về hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có sự đồng hành sát sao của lãnh đạo tỉnh, những năm gần đây, Bình Phước là điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 3 tỷ 579,761 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước cũng tăng hằng năm, đến nay toàn tỉnh có 1.190 dự án với số vốn hơn 104.124 tỷ đồng.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực. Kết quả đạt được là rất phấn khởi khi có 3 lĩnh vực Bình Phước vươn lên đứng đầu cả nước vào năm 2021, đó là: 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, chứng thực điện tử.
Với những bước đi mang tính đột phá, hạ tầng giao thông đã được lãnh đạo tỉnh trong các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, chú trọng, linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện Bình Phước, hạ tầng giao thông đi trước một bước. Qua đó đã tạo được hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối giữa Tây nguyên với các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, KCN và kết nối KCN đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và giữa các địa phương trong tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế.
Song song với phát triển kinh tế, Bình Phước cũng chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Bình quân mỗi năm, tỉnh giảm 1,3% hộ nghèo (riêng năm 2021, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng toàn tỉnh vẫn giảm được 2.000 hộ nghèo). Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mối quan hệ đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030
Bài học rút ra qua 25 năm tái lập tỉnh, trước nhất đó sự đoàn kết, đoàn kết thật sự, đoàn kết trong Đảng, trong dân, mối quan hệ gắn kết giữa Đảng và nhân dân, huy động được sự đồng thuận trong xã hội tất cả vì sự nghiệp phát triển chung, vì cuộc sống nhân dân. Thứ hai là phải có tầm nhìn, tư duy đổi mới, mạnh dạn chọn lựa những bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; có trọng tâm, trọng điểm, phải khoa học, phải thực tiễn và phải có khả năng dự báo tốt để có các giải pháp tương ứng, biến nguy thành cơ hội và vận hội hướng đến thành công. Thứ ba là phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp bằng hình ảnh thực tiễn sống động: Một Bình Phước anh hùng trong kháng chiến; tự tin, bản lĩnh có chí tiến thủ trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin và sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và bạn bè quốc tế. Thứ tư là tiếp tục chủ động thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về trí - thể - mỹ, bản lĩnh dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, đủ năng lực nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bằng sự đoàn kết, bản lĩnh, sự chung sức, chung lòng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, đến năm 2025, Bình Phước sẽ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
Trong hai năm qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 được tỉnh Bình Phước triển khai chủ động, linh hoạt các giải pháp để kiểm soát ca nhiễm; với việc phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, giảm tối đa ca tử vong và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, các điều kiện sinh sống, đi lại của người dân. TRẦN TUỆ HIỀN - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn