Nhìn chung, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tích đáng khích lệ và đã xuất bản có 22 công trình lịch sử cấp tỉnh, 20 công trình lịch sử cấp huyện, 50 công trình lịch sử cấp xã được xuất bản. Qua đó, đã thấy được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được nâng lên một cách rõ rệt, nhất là nhận thức trong cấp ủy các cấp và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt trong các cơ quan quản lý và đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng, cũng như đại bộ phận cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Trong quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học lịch sử, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân. Nhiều đề tài nghiên cứu lịch sử có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Những cuốn sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các ngành, địa phương đã tái hiện một cách đầy đủ toàn diện, chân thật, sinh động lịch sử chung của toàn Đảng, toàn dân tộc góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vun đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước của mỗi người.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 15 - CT/TW trong các cấp ủy Đảng và nâng cao hơn nữa chất lượng các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống trong thời gian tới, xin đưa ra một số giải pháp sau:
- Các cấp ủy cần chủ động đề xuất chủ trương, biện pháp giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, nhất là trong giai đoạn lãnh đạo công cuộc đổi mới.
- Tiếp tục làm tốt công tác đào tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ; quan tâm đến lực lượng cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở các địa phương. Chú trọng xây dựng kế hoạch từng năm và dài hạn trong việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng theo hướng đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, phẩm chất và bản lĩnh chính trị, nắm vững phương pháp luận sử học, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học lịch sử.
- Tăng cường đầu tư kinh phí từ các nguồn kinh phí của Đảng, Nhà nước, trang bị tốt cơ sở vật chất và tạo điều kiện làm việc phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời đối với đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt công tác lịch sử Đảng ở địa phương.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng một cách thường xuyên, thống nhất trong hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức và đánh giá đúng thực trạng chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng trong trường chính trị tỉnh, các trường phổ thông, các trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị trên phạm vi toàn tỉnh. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, vận dụng linh hoạt các phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể dưới nhiều hình thức khác nhau như sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử...; làm cho lịch sử vẻ vang của Đảng thấm sâu vào nhận thức và tâm hồn mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Thực hiện thẩm định bản thảo lịch sử Đảng bộ trước khi thông qua Ban Thường vụ cấp ủy để xuất bản và phát hành.