Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng,
 thành phố Hà Nội đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân. (Ảnh:TH).

 

Nâng cao chất lượng cuộc sống bằng nông thôn mới

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, 5 năm trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng đã xác định tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại hội coi đây là một trong những định hướng quan trọng để đổi mới nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân khu vực này.

Về tìm hiểu thực tế tại hợp tác xã trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, chúng tôi được biết, sau 5 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân đã có nhiều đổi thay. Chị Trần Thị Hương - một người dân ở đây cho biết, so với việc trồng hoa truyền thống trước đây, công việc của chị tại hợp tác xã này mang lại cho chị thu nhập cao hơn trước. Cuộc sống của chị đã thay đổi nhiều nhờ nông thôn mới. “Trước đây nếu thu nhập của tôi là một thì bây giờ nâng gần gấp 3. Đời sống kinh tế thay đổi, thành ra đời sống tinh thần cũng thay đổi rõ rệt nhờ chúng tôi có điều kiện mua sắm được các thiết bị phục vụ đời sống tinh thần” – chị Hương bộc bạch.

Điều đáng nói, chị Hương chỉ là một trong số những người dân tại huyện Đan Phượng nói riêng và hàng chục triệu người dân tại các vùng nông thôn nói chung trên cả nước được hưởng những thành quả sau 5 năm xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, xuất phát từ một vùng đất “nhiều không”, nhưng đến nay hơn 97% đường ấp trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Trên 380km trong tổng số gần 420 km đường giao thông nông thôn và mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư, đảm bảo các tiêu chí “sáng – xanh - sạch - đẹp”. Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Từ những thay đổi và cách làm mạnh dạn, thu nhập của người dân Xuân Lộc đã tăng từ 12 triệu đồng/người/năm 2008 lên hơn 37 triệu đồng/người/năm 2015, tăng hơn 3 lần.

Xác định người nông dân là chủ thể của tiến trình xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, trên 851 nghìn tỷ đồng đã được huy động để xây dựng nông thôn mới. Trong đó ngân sách nhà nước là gần 267 nghìn tỷ đồng, người dân và cộng đồng đóng góp được trên 100 nghìn tỷ đồng. Sự ủng hộ đó bắt nguồn từ lòng tin vào công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước được bắt đầu diễn ra ở nông thôn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động trên toàn quốc. Đến hết năm 2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17% số xã trên cả nước) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); có 15 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm  (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010), góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn. 

Cùng với đó là trên 22.500 mô hình sản xuất mới đã được người nông dân sáng tạo ra. Các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi đã được thiết lập. Bên cạnh việc thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi, các địa phương cũng tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, liên kết theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn". Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày đã khiến tỷ lệ cơ giới hóa tăng lên mạnh mẽ tại nhiều tỉnh. Một nền nông nghiệp hiện đại đang dần được định hình trên những cánh đồng vốn từng quen thuộc với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau.

Gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới

Dù đã đạt được những mục tiêu nông thôn mới, đời sống được nâng cao, nhưng tại nhiều địa phương, công cuộc xây dựng nông thôn mới vẫn chưa dừng lại. Nhiều Đảng bộ và người dân vẫn tiếp tục chung tay để đạt được những tiêu chí mới của chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn được khởi xướng bởi Đảng, Nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, Hà Nội Nguyễn Tất Thắng cho biết, mặc dù đã được công nhận huyện nông thôn mới rồi, nhưng với Đan Phượng đó chỉ là bước đầu. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và kể cả những nhiệm kỳ tiếp theo, việc xây dựng nông thôn mới vẫn là một chương trình, một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế” trong đó “Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới” là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm rất lớn với nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều đại biểu cho rằng, cùng với xây dựng nông thôn mới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp và đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực này là chủ trương đúng đắn, phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nếu chỉ nhấn mạnh đến vấn đề điện, đường, trường, trạm... thì chưa đủ, mà cần phải bảo đảm vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân. Chính vì vậy, các Văn kiện của Đại hội Đảng lần này đặt ra vấn đề phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tạo ra một cơ chế mới để làm sao nông nghiệp có một giá trị gia tăng cao. Lúc đó, người dân có thể tiếp cận được với các ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo đảm cuộc sống ngày càng được nâng lên. Đó cũng chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ mới.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Phạm Minh Đạo. (Ảnh: TH)

Nhấn mạnh đến vai trò của các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trong điều kiện hội nhập, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Phạm Minh Đạo lưu ý phải chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, trong công nghệ và thị trường. Mặc dù nông nghiệp đang là thế mạnh của nước ta, nhưng trước thềm hội nhập sâu rộng, nông nghiệp cũng đang đứng trước nhiều thách thức.  “Hội nhập là một sân chơi, vấn đề hiện nay là tự nâng sức đề kháng của ta lên. Sức đề kháng hiện nay là năng suất, giá thành, chất lượng. Trong chiến lược hiện nay cũng như trong điều kiện Việt Nam đó là vấn đề liên kết, khuyến khích cho nông dân và doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn” – ông Phạm Minh Đạo nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy Yên Lạc, Vĩnh Phúc Đỗ Đình Việt thì cho rằng, để thực hiện đột phá về nông nghiệp, quan trong nhất là phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao và quy mô lớn để sản xuất ra khối lượng hàng hóa có thể đáp ứng được nhu cầu; đồng thời khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Là một tỉnh trọng điểm của nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Văn Công đề cập đến các quyết sách để nông dân có điều kiện sản xuất tốt hơn, từ đó điều kiện sống được nâng lên từ mảnh ruộng của mình. Cụ thể, quan tâm nhiều hơn về vấn đề sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, giải pháp khoa học công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn cũng như có các giải pháp phù hợp để phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho rằng phải có một nguồn lực để bảo đảm các chính sách đề ra phát huy tác dụng cũng như cần có sự quan tâm hơn trong việc áp dụng các kiến thức khoa học công nghệ, để từ đó giúp người nông dân sản xuất mang lại hiệu quả.

Có thể nói, dù vẫn còn những hạn chế, bất cập như tốc độ thực hiện nông thôn mới, sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền, có những biểu hiện huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản,… nhưng những kết quả đã đạt được của công cuộc xây dựng nông thôn mới đến nay cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai thành công hơn chương trình này, từ đó mang lại một cuộc sống chất lượng hơn cho người nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước./.

Thu Hà