Khác với cả nể trong sinh hoạt đời thường, đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, chính quyền, hành vi nể nang trong giải quyết công việc của một người sẽ không gây thiệt thòi cho chính họ, mà là cho tổ chức, tập thể, không những thế họ còn được nhiều tư lợi từ hành vi đó. Nguy hại hơn, nể nang còn là một trong những nguyên nhân làm suy yếu sự vận hành bộ máy của hệ thống chính trị, vì mọi nguyên tắc, kỷ luật nghiêm minh của pháp luật, của Đảng bị phá vỡ, mà việc chấm dứt, khắc phục hậu quả không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người cả nể.
Hoạt động của bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng phải tuân thủ quy định pháp luật. Giải quyết công việc “thấu tình, đạt lý” là thể hiện kết quả xử lý vừa đảm bảo tính nguyên tắc vừa chứa đựng yếu tố “nhân văn”. Bởi sự vận hành của cả hệ thống chính trị đều nhằm mục đích duy nhất là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân. Mối quan hệ giữa “tình” và “lý” tác động qua lại với nhau, trong đó “lý” là chủ đạo, bởi khi ban hành các văn bản pháp luật, các quy định mang thuộc tính bắt buộc trong hệ thống chính trị, đều đã chứa đựng trong đó cái “tình”, do nó bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh, ai vi phạm thì bị xử lý, ai làm tốt thì được khen thưởng. Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nể nang nhau dẫn đến một số cán bộ, công chức lẫn lộn giữa việc “công” và việc “tư”, biết việc làm của mình không đúng quy định nhưng vẫn cứ làm; ngại đấu tranh phê bình khuyết điểm của đồng nghiệp vì cho rằng làm như thế sẽ gây mất lòng nhau, dẫn đến đồng nghiệp không biết những thiếu sót để sửa chữa và tiếp tục mắc khuyết điểm, thậm chí lún sâu vào vi phạm. Có đơn vị cán bộ vi phạm, nhưng cũng từ “nể nang” mà xử lý chưa đúng mức, làm cho kỷ cương phép nước, tính kỷ luật và chiến đấu cao của Đảng bị xem nhẹ.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vấn đề cần “chống” là sự nể nang trong xử lý, giải quyết công việc. Mọi hoạt động đều theo đúng nguyên tắc, cán bộ, đảng viên, công chức thi hành nhiệm vụ phải tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo “thiết diện, vô tư”, thượng tôn pháp luật, phát huy nguyên tắc tập trung, dân chủ và phê bình, tự phê bình trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Nguồn tin: Nhật Hạ (Nguồn Báo Bình Phước)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn