Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ sáu - 12/06/2020 03:33
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác gia đình của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt là nhận thức của Nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình  giai đoạn 2008 - 2018 (huyện Chơn Thành)
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2018 (huyện Chơn Thành)
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò của công tác gia đình là sự phát triển bền vững; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác gia đình vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; công tác tuyên truyền, giáo dục về đời sống gia đình, các chiến dịch truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh; thường xuyên tổ chức các hội thi, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tăng cường đăng tải các bài viết tuyên truyền, giáo dục về đời sống gia đình đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về đời sống gia đình được tổ chức nhân các ngày kỷ niệm về gia đình như: ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6). Gắn công tác gia đình với các phong trào thi đua của ngành, tích cực xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo,
có tác dụng thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hóa như: phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Giáo dục trẻ em không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội”,…; các Câu lạc bộ: “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình hạnh phúc”,… qua đó đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.


Kinh tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trong 15 năm qua đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng ổn định và phát triển. Chất lượng cuộc sống của hộ gia đình, mỗi thành viên ngày càng được nâng cao, kinh tế hộ gia đình phát triển năng động, mỗi người dân đã biết phát huy lợi thế của gia đình để mở rộng sản xuất, ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại.

Tại các địa phương, nhiều mô hình áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả chất lượng sản phẩm cao, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thêm thu nhập cho người dân; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu từ sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn vốn, đất đai, lao động được nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực.


Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng; nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy. Công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ bạo lực gia đình giảm qua các năm; vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi được nâng cao; triển khai thực hiện tốt chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em... góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Tại các khu dân cư, danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm tăng lên cả về số lượng và chất lượng, có tính bền vững và sức lan tỏa rộng khắp. Qua thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái.

Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam cũng như xây dựng gia đình theo tiêu chí “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, xem đây là một trong những nội dung cụ thể và là nhiệm vụ chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay hiệu quả của phong trào ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng từ 85,90% năm 2005 lên 94,07% vào năm 2019.


Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp luôn quan tâm đến công tác gia đình và có nhiều sáng kiến, cách làm hay góp phần giúp các gia đình tiếp cận với các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, từ đó nâng cao hiệu quả công tác gia đình trên địa bàn tỉnh như: việc tổ chức “Ngày hội gia đình” nhằm mục đích tôn vinh các gia đình thực hiện tốt việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, qua đó nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu đã tích cực tham gia, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm; việc tổ chức Hội nghị nhân dân bàn về công tác gia đình là diễn đàn để người dân có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình đối với chính quyền, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Hoạt động này được đông đảo người dân và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là rất thiết thực trong việc thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Cụ thể: từ năm 2008 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 342 Hội nghị tại 342 thôn, ấp, khu phố, thu hút trên 17.100 lượt người là đại diện các gia đình tham dự; tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản; in ấn, nhân bản và phát hành 130.500 bộ tài liệu tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, các kiến thức cơ bản về gia đình, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, bình đẳng giới, cách phòng, chống bạo lực gia đình...; Tỉnh đoàn đã tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục thông qua tổ chức Hội thi, hội diễn, tọa đàm, tập huấn như: triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc, văn minh”, “Thanh niên cưới theo nếp sống văn minh mới, lành mạnh, tiết kiệm”, Ngày hội “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, Hội thi “Tìm hiểu pháp luật”…, kết quả đã tổ chức được 267 buổi, thu hút 22.962 cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia; phối hợp với các đơn vị tổ chức được 754 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp hướng dẫn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, giới thiệu việc làm… cho các gia đình trẻ, qua đó giúp các gia đình trẻ tham gia phát triển kinh tế xây dựng gia đình no ấm. Xây dựng và duy trì tốt chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên website, fanpage của các đơn vị, nhiều gương người tốt, việc tốt trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc được tuyên truyền và nhân rộng, từ đó đã góp phần cùng toàn xã hội lan tỏa hình ảnh đẹp về những gia đình trẻ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể khác đều lồng ghép các mục tiêu của công tác gia đình vào hoạt động của ngành nhằm tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các quy định về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, đưa các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình vào tiêu chí bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Cá nhân đạt nếp sống văn minh” phù hợp với tình hình thực tế từng cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh.

Nhìn chung, trong 15 năm qua, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng cao, người dân đã được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa,…; các thành viên trong gia đình được trang bị nhiều hơn về kỹ năng, các phương pháp phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình,…Trong thời gian tới, các gia đình trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu những giá trị tiên tiến của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa đất nước nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Tác giả: Thanh Tuấn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2076 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2452 | lượt tải:599

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20621 | lượt tải:4464

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21224 | lượt tải:97582

số 16 /TB-QHTASXH

số 16 /TB-QHTASXH

Thời gian đăng: 10/05/2021

lượt xem: 19800 | lượt tải:382
Thống kê
  • Đang truy cập271
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay67,374
  • Tháng hiện tại288,340
  • Tổng lượt truy cập26,466,727
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây