Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW

Thứ ba - 22/08/2023 18:45
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai và thực hiện trong Kế hoạch số 178-KH/TU, ngày 22/8/2023 của Tỉnh ủy.
Về mục tiêu, Bình Phước phấn đấu đến năm 2030 sẽ tuyển sinh đào tạo khoảng 120.000 lao động, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 20%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt trên 90%;  thu hút 50% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia. 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; có chương trình đào tạo hợp tác quốc tế; có 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

 Đến năm 2045, Tỉnh ủy đặt mục tiêu giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng yêu cầu các nước trong khu vực.
 
Trường Cao đẳng Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 là trung tâm thu hút đào tạo và dạy nghề cho tỉnh Bình Phước, là trường tiên phong, linh hoạt, sáng tạo, chuyển đổi mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp - nhà trường, tạo ra lợi ích thiết thực. Đến năm 2030 là trường đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tự bảo đảm chi thường xuyên, đẩy mạnh hợp tác liên kết, là mô hình điểm về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới

Trên cơ sở thực tiễn Bình Phước và các mục tiêu trên, Tỉnh ủy đề ra 08 nhiệm vụ và giải pháp đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm theo định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kết luận số 372-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hai là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp, về nhân lực có chất lượng, tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, kỹ năng nghề, học tập nâng cao trình độ, có việc làm, thu nhập và khởi nghiệp.
 
Giờ thực hành cơ khí chế tạo của học viên Trường Cao đẳng Bình Phước (ảnh: Báo Bình Phước online)
 
Ba là, Giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người chấp hành xong hình phạt tù, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Bốn là, rà soát, báo cáo, đề xuất với Trung ương bổ sung, hoàn thiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo gắn với thị trường lao động, liên thông, hội nhập và thích ứng. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, tăng cường thực hiện công tác phân luồng góp phần tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo, để học sinh sau tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng tốt nghiệp nghề nghiệp, có khả năng tham gia ngay vào thị trường lao động và cơ hội tham gia tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

Năm là, tích hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển, mở rộng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tự chủ theo lộ trình hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáu là, huy động mọi nguồn lực đầu tư tập trung, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; điều tra, khảo sát xác định nhu cầu, đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động; bổ sung giáo viên, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương thức đào tạo đảm bảo “học đi đôi với hành”; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học; thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; thường xuyên, định kỳ hàng năm tổ chức hội giảng, hội thi các cấp liên quan về giáo dục nghề nghiệp; cử đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

Bảy là, chủ động, tích cực hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo phương châm gắn kết chặt chẽ 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học tại doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập cơ sở thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, cơ cấu ngành nghề, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.

Tám là, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật./.

Tác giả: Phong Nhã

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2075 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2450 | lượt tải:599

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20619 | lượt tải:4464

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21223 | lượt tải:97579

số 16 /TB-QHTASXH

số 16 /TB-QHTASXH

Thời gian đăng: 10/05/2021

lượt xem: 19798 | lượt tải:381
Thống kê
  • Đang truy cập192
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay56,388
  • Tháng hiện tại260,050
  • Tổng lượt truy cập26,438,437
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây