Từ nỗi căm hờn…Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (còn gọi là Mười Tuyết) sinh ra và lớn lên trên miền đất đầy nắng và gió của làng quê nghèo thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tuổi thơ bao phen chứng kiến làng quê điêu tàn, bao người ngã xuống trước họng súng, lưỡi lê, bom đạn… của kẻ thù. Những người thân yêu nhất của Minh Tuyết cũng bị địch sát hại. Từ đó, nỗi căm hờn quân thù trong cô gái trẻ ngày càng lớn dần. 16 tuổi, Minh Tuyết rời làng quê vào Sài Gòn kiếm sống. Rất nhanh chóng, cô gái nhập vào những cuộc đấu tranh của nhân dân vùng đô thị. 18 tuổi, rời Sài thành, Minh Tuyết lên đồn điền Phú Riềng làm công nhân cao su. “Khi đó, cách mạng gặp nhiều khó khăn bởi chính sách “tố cộng, diệt cộng” của chế độ Ngô Đình Diệm. Chi bộ cộng sản phải hoạt động bí mật, tuyên truyền vận động công nhân bỏ đồn điền tham gia kháng chiến. Sau Đồng Khởi, đồng loạt thanh niên ném dao cạo, cởi bỏ áo công nhân vào các căn cứ trong rừng sâu đi theo cách mạng” – bà Tuyết nhớ lại.
Chân dung nữ biệt động Huỳnh Thị Minh Tuyết Ngày ấy, Minh Tuyết được đưa vào căn cứ bí mật K2 nằm sâu trong rừng Đắk Nhau, thuộc huyện Bù Đăng. Sau đó, cô được giữ lại làm việc trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Nhiệm vụ của người chiến sĩ trẻ là đánh máy các công văn, thư từ, tài liệu, truyền đơn cách mạng… 21 tuổi, cô gái trẻ nhận nhiệm vụ mới: Ra ngoài căn cứ hoạt động, phụ trách công tác dân vận, tuyên truyền đường lối của Quân giải phóng đến nhân dân. Trong hơn một năm, người chiến sĩ tuyên huấn được tiếp xúc thường xuyên với đồng bào S’tiêng trong những lần về cơ sở.
Nhận thấy Minh Tuyết là người nhanh nhẹn, gan góc nên Tỉnh ủy điều về công tác tại Đội biệt động Bà Rá, trực tiếp cầm súng chiến đấu dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Quý (thường gọi là Tư Quý). Theo bà: “Núi Bà Rá ngày ấy được coi là đài quan sát của thị xã Phước Long lúc bấy giờ. Nằm giữa cánh rừng hoang vu, nhiều hang động, đây được coi là địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng nên địch bố trí quân dày đặc, bao gồm: chính quân, biệt động bảo an, dân vệ, đài truyền tin trên đỉnh núi… Phía Bắc là sân bay Phước Bình (nơi phi công Nguyễn Thành Trung hạ cánh sau khi thả bom Dinh Độc lập năm 1975), cũng chính là nơi tập kết linh động Sư đoàn 5 của ngụy, Sư đoàn “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ khi chiến sự lớn diễn ra”.
… đến Đội trưởng biệt động Người dân Phước Long khi đó sống trong sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, đi đến đâu cũng đồn bốt, trạm gác lính tráng canh giữ nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Phước Long được coi là cửa ngõ để vào miền Nam nên địch nhất quyết muốn giữ địa bàn chiến lược quan trọng này. Đồng thời muốn tách nhân dân ra khỏi cách mạng, tiến hành rà soát với tần số liên tục, nhằm triệt hạ cơ sở cách mạng, diệt tận gốc mầm mống cộng sản.
Đội biệt động thông thường được tổ chức ở các đô thành, ít ai nghĩ đến có một đội đang tồn tại chốn thâm sâu rừng núi. Đó là sự sáng tạo độc đáo của Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Nhiều năm ròng đội biệt động thoát ẩn, thoát hiện bên cạnh đồn bốt của địch mà không hề bị phát hiện. Cùng đồng đội, nữ chiến sĩ Mười Tuyết có nhiệm vụ vừa đánh du kích, vừa xây dựng cơ sở, tuyên truyền đường lối cách mạng đến quần chúng… Trong Mậu Thân 1968, giữa lúc cuộc chiến cam go quyết liệt nhất, Mười Tuyết được bổ sung vào Huyện ủy K11 (Phước Long bây giờ - PV), sau đó được Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá. Lúc này, Mười Tuyết vừa bước sang tuổi 26.
Qua lời kể của bà, cuộc chiến khốc liệt nơi cánh rừng Bà Rá hiện lên như những thước phim quay chậm. “Đó là những tháng ngày lấy bìa rừng, bờ suối, hang động… làm nơi trú ẩn trước sự lùng bắt ráo riết của quân thù. Chống chọi lại cả sự khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc với những ẩn họa từ cọp beo, rắn rết, những cơn sốt rét rừng thường trực”, bà Mười Tuyết cho biết. “Nhiều lần hết lương thực, tôi cùng đồng đội suốt một tuần lễ chỉ ăn củ chuối và trái sung rừng cầm hơi. Nhiều chiến sĩ đi tiểu ra máu, xanh xao, ốm yếu, không còn đủ sức khỏe để chiến đấu. Vì vậy, đơn vị lúc nhiều nhất là một tiểu đội, không đủ lương thực nên chỉ còn 5 người có sức khỏe trụ lại để duy trì cơ sở”.
Bà nhớ từng bàu nước, những con đường ven suối, vị trí các đồn bốt, ngày giờ hành quân của kẻ thù như những kí ức không thể nào quên chuỗi ngày gian khổ. Kể cả những kỹ, chiến thuật của những trận đánh địch chính xác đến từng chi tiết của đội biệt động năm xưa. “Người chiến sĩ biệt động phải có khả năng chiến đấu độc lập, nhanh trí, sáng tạo trong cách đánh địch, sống và chiến đấu với một niềm tin và ý chí mãnh liệt. Nhiều lúc, một chiến sĩ phải đương đầu với cả một tiểu đội của địch được trang bị vũ khí hiện đại”, bà Mười Tuyết cho biết.
Chiến đấu trong lòng địchĐịch treo đầu Đội trưởng Đội biệt động Minh Tuyết và đồng đội với những “giải thưởng” lớn, nhưng thủ đoạn bịp bợm của chúng không thể mua chuộc được dân làng, những người vẫn ngày đêm nuôi giấu cách mạng. Bà không giấu giếm chuyện một chiến sĩ trong hàng ngũ làm tay sai cho giặc, đã bịt mặt chỉ điểm cho địch đánh phá hàng loạt cơ sở bí mật gây thiệt hại cho cách mạng. Đội biệt động tồn tại được là nhờ sự cưu mang, đùm bọc, che chở của đồng bào S’tiêng. Chính họ vượt đường rừng che mắt bao nhiêu đồn bốt, trạm gác, âm thầm tiếp tế đưa lương thực cho các chiến sĩ, họ là “kênh thông tin” tin cậy về những cuộc hành quân càn quét của địch để đội biệt động nhanh chóng trú ẩn, tránh tổn thất.
Trong câu chuyện xen lẫn nhiều dòng cảm xúc, người chiến sĩ năm xưa bồi hồi nhớ lại quá khứ đau thương mà oanh liệt. Giọng bà bỗng chùng xuống khi hồi tưởng về những đồng đội ngã hy sinh trước họng súng quân thù. “Trong đội biệt động, nhiều người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Đáng nhớ nhất là nữ chiến sĩ đưa thư hỏa tốc bị giặc bắn chết và để xác ngoài trời, nhằm chờ đội biệt động đến đưa về sẽ bao vây tiêu diệt. Sau đó, kế hoạch lấy xác trong đêm nhanh chóng được bàn bạc và thống nhất. Song, lúc thực hiện, do nóng vội nên chồng của nữ chiến sĩ xông lên liền bị làn đạn của kẻ thù bắn gục, cách xác của vợ gần 10m. Kế hoạch bị bại lộ, đội Bà Rá phải rút lui để bảo đảm an toàn. Cặp vợ chồng hy sinh khi vừa cưới nhau được vài tháng…”, nguyên nữ biệt động bồi hồi kể lại.
“
Anh hùng” giữa lòng dânSau giây phút trầm ngâm, ánh mắt bà bỗng sáng rực lên khi kể về những chiến công của mình và đồng đội. Đó là những trận đánh táo bạo, bất ngờ, gây nhiều thiệt hại cho địch, hay những lần mưu trí thoát khỏi vòng vây kẻ thù. Bà Mười Tuyết kể lại: “Một ngày đầu năm 1969, tôi cùng 5 chiến sĩ khác trà trộn vào dân vừa để vận động, vừa dò la việc bố trí các đồn canh của giặc. Tôi cùng đồng đội bị bao vây, rất khó để thoát ra ngoài, nhất là đưa thương binh. “Mở đường máu” thì cầm chắc cái chết. Nếu bị tiêu diệt, cơ sở cách mạng tại núi Bà Rá cũng sẽ tan vỡ. Giữa lúc nguy nan ấy, chúng tôi bàn bạc và quyết định thoát vòng vây bằng con đường đi tắt qua nghĩa trang khi lợi dụng sự hiểm trở cùng yếu tố tâm linh mà địch sẽ không phục kích. Nhờ quyết định đó, đội biệt động thoát hiểm một cách ngoạn mục”.
Đất rừng Đông Nam Bộ vẫn còn ghi nhớ nhiều chiến công, những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của người đội trưởng biệt động cùng đồng đội. Đó là những tháng ngày tranh đấu sục sôi, lăn lộn gây dựng cơ sở cốt cán, vận động binh lính bỏ hàng ngũ địch về làm nương rẫy, đấu tranh chống bắt dân đi đào hầm… Trong những tháng ngày bám trụ giữa chốn rừng thiêng nước độc, bà đã cùng đồng đội làm nên những trận đánh lớn như đánh đột kích vào sân bay Phước Bình, thị xã Phước Long, đánh đồn Phước Lộc, ấp chiến lược Sơn Giang, cầu Đắk Lung… tiêu diệt nhiều đồn bốt, gieo cho địch biết bao hoang mang, lo sợ.
Đại gia đình chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ( Tháng 7-1972, khi rút về căn cứ, bà được cử làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Bình Phước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà kinh qua nhiều chức vụ như: Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phước Long, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang. Năm 1992, bà nghỉ hưu. Với những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ, bà được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương chống Mĩ hạng Nhất…
Với người dân thị xã Phước Long ngày ấy cũng như hiện nay, Đội biệt động núi Bà Rá và nữ đội trưởng Huỳnh Thị Minh Tuyết là những biểu tượng đẹp, sáng ngời chân lý cách mạng, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập của dân tộc.