Nghe già làng Điểu Lên kể chuyện Sóc Bom Bo

Thứ sáu - 30/12/2016 04:03
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào sóc Bom Bo – Bù Đăng, Bình Phước đã ghi dấu với những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm. Từng tên núi, tên sông, tên người đã đi vào huyền thoại của “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” mang âm hưởng giã gạo nuôi quân đánh giặc hừng hực khí thế tiến công.
           Từ cái nôi cách mạng
            Ở Sóc Bom Bo hiện nay người duy nhất biết rõ lịch sử về buôn làng là già Điểu Lên (sinh năm 1945). Nhà già Điểu Lên nằm ngay mép đường, nhưng chúng tôi phải vào rẫy cách đó chừng 5km mới gặp được người con ưu tú của đồng bào S’tiêng. Bởi những ngày cuối năm già Điểu Lên càng tất bật hơn với công việc chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu, mủ cao su.
             Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống, cha ông cũng theo cách mạng đánh Pháp, đuổi Mỹ; cả bảy anh em Điểu Lên đều tham gia cách mạng, đánh đuổi giặc Tây. Lớn lên trên mảnh đất Bom Bo, cũng như bao người con của buôn làng, già Lên cũng không biết “cái chữ nó như thế nào”. Tinh thần cách mạng được nuôi dưỡng trong ông rất sớm. 15 tuổi Điểu Lên trở thành cậu bé giao liên, làm nhiệm vụ đưa thư cho cán bộ trong căn cứ. Chưa tròn đôi mươi, theo tiếng gọi của cách mạng, ông lên đường nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã tham gia 45 trận đánh, nhiều lần giết giặc lập công, trong vòng 3 năm (từ 1967 – 1969), ông được Nhà nước tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ác phá kìm”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”. Vợ ông là Điểu Thị Vrơi làm giao liên, có hai người anh đã hy sinh: Người anh cả Điểu Xiêng - xã đội trưởng Bom Bo, bị địch bắt một lòng không khai nên bị giết; anh trai Điểu Lanh ngã xuống trong chiến dịch Phước Long. Hai tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trang trọng trong ngôi nhà của người em gái Điểu Thị Vrơi.
Hình già làng Điểu Lên
         Bỏ cây súng về với đời thường, già Điểu Lên cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế, trang trại chăn nuôi, dạy con cái khôn lớn nên người. Một già làng - sừng sững giữa núi rừng năm xưa trông giản dị, thông thái ngồi tiếp chuyện chúng tôi với những câu chuyện buôn làng đánh giặc lại hiện về trong người cựu chiến binh này.
          Đồng bào S’tiêng quyết bảo vệ căn cứ Bom Bo
       Già mở đầu câu chuyện: “Người dân Bom Bo xưa kia nghèo lắm nhưng một lòng đi theo Bok Hồ. Dù chết cũng không theo giặc. Thằng Mỹ, thằng ngụy nó ác, giết hại đồng bào mình. Người dân Bom Bo vẫn bám trụ bon, sóc cùng bộ đội đánh giặc giải phóng quê hương”.
Người S’tiêng xưa kia nghèo khổ, sống trong rừng thân nhanh như con nai, con hươu, lấy lá vỏ cây làm quần áo, hái lượm săn bắt kiếm kế sinh nhai. Đồng bào sống quần tụ trong những ngôi nhà rông đơn sơ bình dị, chia ngọt sẻ bùi từng nắm thóc, củ sắn, củ mì… Cuộc sống của họ cứ trôi đi bình lặng, yên ả nơi vùng miền núi sơn cước hẻo lánh ấy. Cho đến một ngày giặc xua quân tràn về bắn giết cướp phá dân làng, người dân Bom Bo đi theo cách mạng kiên trì bám trụ chiến đấu giữ từng tấc đất của tổ tiên từ bao đời.
Theo lời già Lên, Bom Bo là căn cứ được xây dựng trong kháng chiến chống Pháp. Nơi đây, khi chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời đã giáo dục, bồi dưỡng đồng bào tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Chi bộ cộng sản đã quy tụ được sức mạnh đoàn kết của dân làng đứng lên chống Pháp xâm lược. Những đội du kích ra đời với vũ khí như giáo mác, gậy gộc, súng trường cướp của giặc bảo vệ xóm làng.
Sau này, đội vũ trang của huyện Bù Đăng cũng về đây để xây dựng lực lượng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Cũng từ mảnh đất này, nhạc sĩ Xuân Hồng vào năm 1965 trong lần về công tác cảm mến tấm lòng của người dân nơi đây với cách mạng đã viết nên bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Nằm tiếp giáp với cánh rừng Cát Tiên (Đồng Nai), chiến trường Tây Nguyên, Bom Bo là mạch máu giao thông quan trọng chi viện, tiếp tế cho chiến trường miền Nam, liên lạc mật thiết với Trung ương Cục miền Nam Việt Nam (Tây Ninh). Đây cũng là nơi tập kết lương thực chi viện trực tiếp cho bộ đội địa phương, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4. Địch mở nhiều đợt càn quét dữ dội nhằm triệt hạ tận gốc căn cứ cách mạng, gây nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng. Chi bộ Đảng, đội du kích, bộ đội địa phương đã cùng lực lượng cách mạng đứng lên đánh địch từ nhiều hướng như cạm bẫy, hầm chông, đào hầm bí mật nuôi giấu cách mạng. Mặc cho kẻ thù bắt bớ, tìm mọi cách chia rẽ nhưng thế đứng của cách mạng vẫn vững vàng trong lòng dân: “Có đất, có dân là có cách mạng”. Kể về những tháng ngày gian khổ trong chiến tranh, già Lên cho biết: “Ngày ấy nhiều năm ròng không có nổi một hạt muối, hạt gạo. Phải đốt mái tranh, cây lồ ô lấy than ngâm nước, lọc lấy nước ăn thay muối”.
“Có những lần địch dùng tiền hòng mua chuộc nếu bắt được bí thư chi bộ, chặt đầu những người yêu nước sẽ được trọng thưởng 5.000 đô la. Những âm mưu thâm độc của kẻ thù vẫn không thể lung lạc ý chí cách mạng của đồng bào. Không khuất phục được đồng bào, chúng giở thủ đoạn chặt đầu những người theo cách mạng treo lên cột cao nhằm khủng bố tinh thần, làm suy sụp ý chí chiến đấu của những con người S’tiêng. Nhưng không thể làm nao núng tinh thần mà còn đẩy quyết tâm giết giặc lên cao độ trong mỗi người con của buôn làng. Vì thế, giặc gọi người Bom Bo là lũ mọi rợ phải giết sạch, phá sạch”, già Lên kể về những ngày kháng chiến.
Trong kí ức của vị già làng vẫn còn nhớ rất rõ những kì tích về những người hùng làm nên Bom Bo huyền thoại. Đó là câu chuyện Điểu Krú vai địu con một mình chiến đấu và tiêu diệt hàng chục tên địch trong cuộc càn quét của giặc vào căn cứ Nửa Lon năm 1964. Sao gọi là căn cứ Nửa Lon? Già làng giải thích: “Ngày ấy Xứ ủy Phước Long chọn sóc Bom Bo làm căn cứ. Cán bộ của Bok Hồ gạo không đủ ăn, phải chia nhau một nửa lon gạo để nấu cháo. Cái tên Nửa Lon ra đời từ đó”. Còn là sự kiện ngày 15/11/1964, lực lượng ta tấn công địch bên bờ sông Đắk Lấp, ta làm chủ ấp chiến lược Bù Đăng, đưa dân cắt rừng về với vùng giải phóng. Mùa khô năm sau, địch mở trận càn lớn vào vùng căn cứ. Trong trận này, đồng chí Điểu Xiêng lãnh đạo đội du kích đã chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng, bị địch bắt và hành hình cùng đồng chí Hồ Thanh Vân. Chúng giết hai anh, chặt đầu cắm trên thân cọc nhọn giữa đường 10 nhằm uy hiếp tinh thần đồng bào”.
          Năm 1965, trong cuộc chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài lịch sử, đồng bào sóc Bom Bo theo lời kêu gọi của Đảng, Bok Hồ đã chiến đấu anh dũng, phá ấp chiến lược, tăng cường giã gạo cung cấp cho tiền tuyến. Đồng bào Bom Bo đã đi đến ngày giải phóng hoàn toàn, vẫn một ý chí không lùi bước trước kẻ thù, lớp người trước ngã xuống có người sau tiếp nối, để bảo vệ bon sóc, bảo vệ cách mạng… Già Làng kể.

Phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Bom Bo
         Cuộc sống mới Bom Bo sau hòa bình
         Người dân Bom Bo nguyện theo Đảng suốt đời. Sau giải phóng đất nước, hòa bình lập lại, họ trở về chốn cũ dựng lại sóc Bom Bo, quây quần bên nhau xây dựng cuộc sống mới, trọn vẹn lời thề thủy chung với cách mạng. Cũng như bao mảnh đất cách mạng trong cả nước, sau chiến tranh nơi đây chứng kiến sự hoang tàn của bom đạn giặc tàn phá, cuộc sống của họ cũng bắt đầu khắc phục, cải tạo từ vết cắt của chiến tranh.
         Bốn mươi năm sau chiến tranh, mảnh đất Bom Bo đã khác xưa, đồng bào không còn cái đói, cái khổ... Sóc Bom Bo với 371 hộ, khoảng 1.704 khẩu, trong đó người S’tiêng bản địa là 138 hộ. Sóc có đến 854 ha điều, cao su; hơn 300 con trâu, bò và trên 600 con heo thả rông. Những hộ S’tiêng thu nhập mỗi năm đến 700 triệu đồng đã lên đến hàng chục hộ. Từ đó xất hiện những triệu phú như: Điểu Đới, Điểu Bót, Điểu Ngư, Điểu K’Rênh, Điểu Dũng…
        Những năm tháng chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, với những trang sử chói lọi trong quá khứ luôn được lưu truyền và gìn giữ. Đồng bào S’tiêng tự hào, phấn khởi khi cái tên sóc của mình không bị mất đi. Cuối năm 2015, Dự án Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có tổng diện tích 113,4 ha trên vùng đất cách mạng Bom Bo năm xưa đã được khánh thành giai đoạn 1. Dự án nhằm mục đích khôi phục, tái hiện không gian sinh sống truyền thống, giới thiệu những phong tục tín ngưỡng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng. Khu bảo tồn còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử thế hệ đi trước cho tuổi trẻ, những chủ nhân tương lai không được lãng quên lịch sử hào hùng của cha anh, đã hy sinh để bảo vệ độc lập cho quê hương, đất nước.
       Về lại Bom Bo hôm nay, chúng ta ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây. Những con đường trải nhựa đã mở, những ngôi trường khang trang đã mọc lên; trung tâm giao thương với các tiệm tạp hóa bán buôn, nhà hàng dịch vụ nối dài; nhiều nhà cao tầng mọc lên xen với những cánh rừng cao su bạt ngàn là minh chứng cho những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà đồng bào Bom Bo nơi đây đang quyết tâm ra sức xây dựng, phát triển không ngừng.

Tác giả: Huấn Lê

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2075 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2451 | lượt tải:599

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20620 | lượt tải:4464

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21223 | lượt tải:97579

số 16 /TB-QHTASXH

số 16 /TB-QHTASXH

Thời gian đăng: 10/05/2021

lượt xem: 19798 | lượt tải:381
Thống kê
  • Đang truy cập501
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm478
  • Hôm nay67,374
  • Tháng hiện tại276,749
  • Tổng lượt truy cập26,455,136
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây